Năm 2012, gia đình ông Nguyễn Văn Khoảnh (ấp Tân Lập, xã An Điền, TX.Bến Cát), có khoảng 5.000m2 đất được trồng cao su xanh tốt đang cho thu hoạch, giá mủ cao su lúc đó vẫn đang khá ổn định và cao hơn giá mủ hiện giờ. Tuy nhiên, với mong muốn làm giàu, ông Khoảnh đã bắt đầu chuyển hướng sang trồng lan Mokara cắt cành. Với tinh thần chịu khó học hỏi, ông từng bước biến giấc mơ của mình trở thành sự thật.
Hướng đi phù hợp
Ban đầu, ông trồng thử nghiệm với 300m2. Ông Khoảnh nhận thấy đất và khí hậu của địa phương rất hợp để loại lan này phát triển. Đến năm 2013, ông bắt đầu mở rộng diện tích vườn lan lên 2.400m2 với khoảng 5.000 gốc lan. Tuy nhiên, khi quy mô vườn lan phát triển hơn cũng là lúc ông thấy được công việc trồng lan không hề dễ dàng. Trồng lan Mokara cắt cành, sau 8 tháng có thể cho hoa. Nhưng lúc đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên hoa ra không đều đẹp như những vườn lan khác. Lúc đó đầu ra vẫn chưa ổn định, đó là những khó khăn mà ông phải vượt qua.
Ông Khoảnh bên vườn lan của gia đình. Ảnh: Q.NHIÊN
Không nản lòng, ông Khoảnh thường xuyên đăng ký tham gia các lớp học về kỹ thuật trồng lan và đi tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình trồng lan cắt cành hiệu quả của một số hộ nông dân trong và ngoài tỉnh. Từ đó ông đúc rút được kinh nghiệm cho chính bản thân.
Vừa tưới nước cho vườn lan, ông Khoảnh vừa tiếp chuyện: “Toàn bộ diện tích trồng lan này trước đây là vườn cao su xanh tốt đang cho thu hoạch, giá thu mua mủ cũng đang ổn định. Nhưng vì quá yêu thích cây lan, tôi đã tìm tòi, học hỏi để xây dựng vườn lan như ngày hôm nay. Lúc đó, nhiều người chưa tin tưởng vào cách làm của tôi. Họ cho rằng, tôi “quá liều”. Sau này, vì cái sự “liều” đó, tôi đã chứng minh cho mọi người thấy cách làm giàu của tôi là đúng”.
Nhưng để có một vườn lan quy hoạch đúng kỹ thuật thì chi phí ban đầu còn khá cao, nhất là lan giống. Lan giống được ông Khoảnh chọn loại lan nhập từ Thái Lan với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/cây. Để trồng lan, trước hết phải xây dựng nhà lưới thoáng mát với chiều cao trung bình từ 3,5 - 3,8m, có độ che phủ mát 50%. Lan được trồng theo luống, mỗi luống rộng từ 0,8 - 1,2m, trồng được từ 2 - 3 hàng, được xây xung quanh bằng gạch ống, khoảng 3 hàng tính từ mặt đất lên, có lỗ thoát nước, ống nhựa cung cấp nước… Bình quân khoảng 1.000m2 nhà lưới trồng được khoảng 2.500 cành lan và lớp nền chất trồng để rễ lan bám xuống phải được rải bằng một lớp vỏ đậu phộng dày khoảng 15cm.
Hiệu quả kinh tế cao
Đầu năm 2016, gia đình ông Khoảnh quyết định mở rộng thêm diện tích vườn lan thêm lần nữa. Với 2.400m2 mới mở rộng, nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ vườn lên đến gần 1,7 tỷ đồng, bao gồm xây dựng sườn, hệ thống tưới và mua giống…
Thị trường đầu ra ổn định là yếu tố quyết định con đường làm giàu mới của ông Khoảnh từ lan.
Mặc dù chi phí ban đầu khá lớn nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Với vườn lan 2.000m2 đang cho thu hoạch, 1 tuần trung bình sẽ cắt được khoảng hơn 1.000 cành, giá bán bình quân từ 5.000 - 7.000 cành. Đa số lan thu hoạch của gia đình đều được xuất bán cho thương lái ở Củ Chi. Hàng tháng, vườn lan mang lại thu nhập gần 30 triệu đồng cho gia đình. Ngoài ra, vào dịp tết, hoa lan của gia đình ông không chỉ được bán cành với, mà còn được vô chậu bán với giá từ 50.000 - 200.000 đồng/chậu, tùy loại. Như vậy, lợi nhuận hàng năm từ vườn lan của gia đình ông Khoảnh lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo ông Khoảnh, nghề trồng phong lan đòi hỏi kiên trì, theo dõi từng ngày để nắm các biểu hiện của từng loại cây, nhất là chú ý yếu tố phân và nước cân đối để tránh làm khô hanh hoặc úng cây. Ông Khoảnh chia sẻ thêm, nghề trồng lan quan trọng nhất là khâu chọn giống và xử lý môi trường. Để có vườn lan tốt người trồng phải luôn giữ vườn lan sạch, hệ thống tưới tiêu đầy đủ và giăng lưới bao che bảo vệ. Bên cạnh đó, mật độ trồng lan cũng không nên quá dày để lan có không gian thoáng đãng.
QUỲNH NHIÊN