Hiện nay, có nhiều người dân ở một số địa phương đi xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 gây lãng phí và không cần thiết. Trong khi đó, một số cơ sở y tế lợi dụng dịch bệnh để tăng giá xét nghiệm Covid-19, gây bức xúc cho nhân dân và dư luận xã hội.
Có cần thiết xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2?
Để chẩn đoán và điều trị Covid-19, hiện nay 2 phương pháp xét nghiệm đang được Bộ Y tế cho phép thực hiện để xét nghiệm sàng lọc Covid-19 là test nhanh kháng nguyên và RT-PCR. Đây là 2 phương pháp xác định sự tồn tại của vi rút SARS-CoV-2 trong cơ thể.
Trong đó, test nhanh kháng nguyên là phương pháp được thực hiện để ứng phó với những ổ dịch nghi ngờ, sàng lọc người có nguy cơ nhiễm bệnh; hỗ trợ điều tra ổ dịch; xét nghiệm tại các khu vực có sự lây nhiễm lớn để phát hiện sớm. Đây là phương pháp hữu ích cho thực tiễn lâm sàng, sử dụng mẫu bệnh phẩm hô hấp, ít phức tạp, dễ thực hiện, áp dụng ngay tại thời điểm cần và cho kết quả ngay trong vòng từ 15 - 20 phút. Còn RT-PCR là phương pháp xét nghiệm sàng lọc và khẳng định trong chẩn đoán ca mắc Covid-19. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội với kết quả định lượng chính xác tải lượng vi rút có trong mẫu xét nghiệm, do đó hỗ trợ đắc lực cho công tác chẩn đoán, điều trị cũng như tiên lượng giai đoạn bệnh.
Sở Y tế sẽ xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19. Trong ảnh: Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân
Qua ghi nhận, hiện nay có một số người dân, đơn vị xét nghiệm triển khai xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi đã tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh để tìm kháng thể. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với vi rút SARS-CoV-2. Xét nghiệm kháng thể huyết thanh phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định nhiễm vi rút và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19. Đến nay, việc xét nghiệm kháng thể huyết thanh chưa xác định chuẩn nồng độ nào coi là ngưỡng bảo vệ, nồng độ nào tối ưu, nồng độ nào thì sẽ nhiễm bệnh? Do vậy, để đánh giá khả năng một người đã được bảo vệ trước vi rút SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm tìm kháng thể là chưa đủ căn cứ khoa học và chưa thật sự cần thiết.
Trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, người dân không nên nóng vội đi xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2. Mặc dù đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế và chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.
Không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá
Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cho biết hiện tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác xét nghiệm Covid-19, văn bản hướng dẫn việc thực hiện xét nghiệm cũng như hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng các quy định về mức giá và chi trả xét nghiệm Covid-19, một số cơ sở y tế còn thu chưa đúng mức giá theo hướng dẫn, quy định giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 quá cao, gây bức xúc cho nhân dân và dư luận xã hội.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện việc xét nghiệm theo các chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí. Đặc biệt, với trường hợp thực hiện xét nghiệm gộp mẫu phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn để thu và thanh toán với người bệnh. Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành thông tư hướng dẫn mức giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện mức giá và thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28-5-2021, Công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 7-7-2021.
Đối với các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm cho cán bộ, viên chức, cho người bệnh và người nhà người bệnh thực hiện theo Công điện số 628/CĐ-BCĐQG ngày 10-5-2021, Công điện số 615/CĐ-BYT ngày 7-5-2021. Đối với trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng không thuộc phạm vi chi trả của BHYT và ngân sách Nhà nước, cơ sở y tế công lập thực hiện thu với mức giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 4356/ BYT-KHTC ngày 28-5-2021, Công văn số 5378/BYT-KHTC ngày 7-7-2021; không thực hiện mức giá dịch vụ theo yêu cầu đối với xét nghiệm Covid-19.
Hiện nay, Bình Dương đang thực hiện nghiêm theo các văn bản của Bộ Y tế. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết sở đang phối hợp với các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế tư nhân; yêu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện việc xây dựng, quyết định mức giá và kê khai, công bố công khai giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 theo quy định của pháp luật. Sở sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
GIANG NHUNG - HOÀNG LINH