Đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP) cho biết, tính từ khi thành lập đến ngày 15-4-2016, các KCN VSIP trên địa bàn tỉnh đã thu hút 21 dự án đầu tư trong nước (chỉ tính các dự án có đăng ký đầu tư tại Ban Quản lý KCN VSIP) với số vốn đăng ký 3.884 tỷ đồng, 450 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 6 tỷ 372 triệu USD.
Vốn đầu tư nước ngoài tăng
Chỉ tính trong quý I-2016, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài vào KCN VSIP ước đạt 140 triệu USD, tăng 7,14%; doanh thu ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 1,55%; xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD, tăng 10% và nộp ngân sách 16 triệu USD, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm 2015.
Công nhân sản xuất tại Công ty Esquel Việt Nam (KCN VSIP I, TX.Thuận An). Ảnh: P.LÊ
Ông Nao YukiTada, Tổng Giám đốc Công ty Uchiyama Việt Nam cho biết, công ty được thành lập vào tháng 5 năm 2000 tại KCN VSIP I (TX.Thuận An) với 100% vốn của Nhật Bản, chuyên sản xuất miếng đệm và ron bạc đạn dành cho xe hơi. Trong năm 2015, doanh thu của công ty đạt gần 150% so với kế hoạch công ty đề ra. Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất của công ty tiếp tục ổn định. Với 3 nhà máy hoạt động tại KCN VSIP I, công ty áp dụng những kỹ thuật cao để tăng năng suất và giảm thiểu chất độc hại ra môi trường; đồng thời sản xuất các sản phẩm chất lượng và xuất khẩu ra thị trường quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... Giữa tháng 4 vừa qua, công ty đã khánh thành thêm nhà máy thứ 4 tại KCN Đại Đăng (TP.Thủ Dầu Một) với số vốn đầu tư gần 40 triệu USD.
Còn theo bà Marjorie Yang, Chủ tịch Tập đoàn Esquel (Hong Kong, Trung Quốc), sau 15 năm đi vào hoạt động, Công ty Esquel Việt Nam (KCN VSIP I) đã hoạt động hiệu quả, trở thành đối tác lớn của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới trong ngành dệt may. Để bảo đảm cung cấp sản phẩm cho khách hàng, công ty đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động cuối năm 2015 nhà máy thứ 2 tại KCN VSIP II.
DN mở rộng sản xuất
Từ đầu năm đến ngày 15- 4-2016, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào KCN VSIP trên địa bàn tỉnh đạt gần 249 triệu USD; trong đó có 15 dự án cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 204 triệu USD và 13 dự án tăng vốn đầu tư với vốn tăng thêm gần 45 triệu USD. Một số công ty có vốn đầu tư lớn như Công ty Fovoline Golobal Trading Ple. ltd (Singapore) đã đầu tư mới 88 triệu USD tại KCN VSIP II-A; Công ty TNHH Urcoffee (Singapore) đầu tư trên 65,8 triệu USD vào KCN VSIP II-A. Đối với DN trong nước có Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng nhà máy thứ 3 tại KCN VSIP II với tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng, được trang bị công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại với công suất thiết kế 180 triệu lít/năm. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11-2016...
Bên cạnh những dự án đầu tư mới, từ đầu năm đến nay, nhiều DN đã tăng thêm vốn đầu tư như Công ty TNHH Makita Việt Nam (KCN VSIP II) có vốn Nhật Bản, chuyên cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo trì hàng hóa do DN nhập khẩu đã tăng vốn thêm 10 triệu USD; Công ty TNHH Hansung Tech (KCN VSIP II-A) của Canada, chuyên sản xuất bộ phận ống dẫn, đã tăng vốn thêm 5 triệu USD...
Với những kết quả về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và thu hút đầu tư từ đầu năm đến nay, KCN VSIP không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển mà còn khẳng định nơi đây tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.
P.LÊ