Bắc Tân Uyên là huyện nông thôn đang chuyển mình mạnh mẽ. Bên cạnh quan tâm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị, huyện có chủ trương ưu tiên xây dựng, phát triển loại hình kinh tế hợp tác, tạo nền tảng bền vững để kinh tế nông thôn phát triển.
Trồng cây có múi là một trong những mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả tại huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: DUY CHÍ
Đa dạng ngành nghề
Bắc Tân Uyên là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, lại có mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi về đường bộ, đường thủy nhờ hệ thống sông Đồng Nai, sông Bé. Thời gian qua, địa phương ưu tiên thu hút đầu tư phát triển loại hình đô thị sinh thái, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thế mạnh sẵn có; tiếp tục xây dựng quy hoạch mới theo hướng đồng bộ, văn minh và hiện đại.
Bên cạnh đó, với tinh thần “Phát triển kinh tế, xã hội - Không để ai ở lại phía sau”, huyện Bắc Tân Uyên đã tập trung xây dựng và phát triển loại hình kinh tế hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để kinh tế nông thôn phát triển.
Năm 2015, sau 1 năm thành lập, huyện Bắc Tân Uyên có 11 hợp tác xã với 72 thành viên và 11 tổ hợp tác. Lợi nhuận bình quân của các hợp tác xã trên địa bàn huyện là trên 962 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, doanh thu bình quân của tổ hợp tác trên địa bàn huyện là 1,48 tỷ đồng/năm; lợi nhuận 1,03 tỷ đồng; thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện hoạt động trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp (3 hợp tác xã), thương mại - dịch vụ (2 hợp tác xã), tiểu thủ công nghiệp (2 hợp tác xã)...
Chỉ tính trong quý I-2019, hầu hết các hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Nổi bật trên lĩnh vực nông nghiệp có Hợp tác xã Nhuận Đức, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt 6,4 triệu đồng/người/tháng; Hợp tác xã cây ăn quả Tân Mỹ doanh thu 1,9 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tại huyện có Hợp tác xã Nhật Hưng đạt doanh thu trên 66,1 tỷ đồng; lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp có Hợp tác xã Toàn Lực, doanh thu 57 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng...
Ông Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch huyện Bắc Tân Uyên, cho biết tiềm năng kinh tế của huyện rất lớn, đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Thời gian qua, các hợp tác xã làm ăn hiệu quả, phát triển tốt là nhờ đội ngũ quản lý có tâm huyết, có năng lực, chịu dấn thân và nắm bắt tốt nhu cầu thị trường. Địa phương đang khuyến khích phát triển loại hình kinh tế hợp tác tham gia thị trường bằng chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng. Để làm được điều này, các hợp tác xã, tổ hợp tác tới đây sẽ liên kết, hợp tác cùng nhau nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm và giá thành cạnh tranh.
Cần sự hợp sức
Hiện nay, các nhà nông, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đang bị động về đầu ra cho sản phẩm nên không chủ động được giá cả, bị động trong sản xuất. Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, nói: “Nông dân mình nuôi được con heo, con gà, trồng được trái cam, trái bưởi ngon, khi thương lái đến vườn mua mình phải hỏi họ “mua của tôi giá bao nhiêu”. Thế nhưng, khi ra chợ mua lại chính mặt hàng mình bán cho các thương lái mình phải hỏi người ta bán món đó bao nhiêu tiền. Vậy là mình bị động hoàn toàn”.
Theo ông Chiến, quy luật thị trường cung cầu phải cân bằng. Việc này nhà nông không thể tự làm được, mà cần có tổ chức chuyên nghiệp cùng với nhà nông chủ động thoát ra cái vòng lẩn quẩn “trúng mùa - thất giá”, tức là phải “đo” được nhu cầu thị trường, tìm được nhà phân phối đủ năng lực, uy tín để cùng với nhà nông chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi ích cùng làm chủ thị trường.
Ông Tâm cho biết thêm, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện làm ăn hiệu quả đều bắt nguồn từ việc làm ăn nhỏ lẻ, thua thiệt trước đó do ít vốn, không chủ động được thị trường. Sau khi được tập huấn nghiệp vụ, học nghề, các hợp tác xã, tổ hợp tác, điển hình là các tổ hợp tác thương mại - dịch vụ như nấu ăn, chiêu đãi tiệc đã xác định được chỗ đứng, có tên tuổi trong huyện, hoạt động rất ổn định.
Về nông nghiệp, nhờ được bao bọc bởi 2 con sông lớn là Đồng Nai và sông Bé đã tạo nên hệ sinh thái ôn hòa kết hợp điều kiện thổ nhưỡng thích hợp đã giúp các loại cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi trên địa bàn huyện phát triển tốt. Để tránh tình trạng “được mùa - mất giá”, huyện đã khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để phối hợp cùng nông dân giữ vững chất lượng, mẫu mã, đầu ra ổn định...
Đổi mới để vươn lên
Bà Trần Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện, cho biết mục tiêu phát triển kinh tế tập thể của huyện trong thời gian tới: Hợp tác xã là nòng cốt của kinh tế tập thể, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, cùng chia sẻ lợi ích và quản lý một cách dân chủ, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là nông nghiệp và nông thôn. Địa phương phấn đấu đến năm 2020, khu vục kinh tế tập thể có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Để đạt được mục tiêu đó, huyện tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác để khai thác tối đa tiềm lực, lợi thế của địa phương; đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác trong sự nghiệp phát triển chung, góp phần ổn định chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Kinh tế thị trường luôn có sự đào thải và phát triển. Thực tế diễn ra tại huyện Bắc Tân Uyên cho thấy, không phải hợp tác xã, tổ hợp tác nào được thành lập theo chủ trương và khuyến khích của huyện cũng đều phát triển tốt nếu năng lực của ban quản lý các đơn vị này yếu kém, phương án kinh doanh không phù hợp. Cụ thể như các hợp tác xã trồng rau an toàn, trồng cây lấy củ có tinh bột, thu mua nông sản, giết mổ, đóng gói gia súc, gia cầm, sửa chữa ô tô, điện... trên địa bàn huyện phải hoạt động cầm chừng, không phát sinh doanh thu hoặc ngừng hoạt động.
Trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn nói trên, trong thời gian tới Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện huyện Bắc Tân Uyên tập trung chấn chỉnh hoạt động các hợp tác xã hiện có; hướng dẫn các hợp tác xã mới thành lập hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Bên cạnh đó, ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị liên quan tham mưu các chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012; đồng thời vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động kém hiệu quả chuyển đổi hình thức hoạt động hoặc giải thể...
Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện Bắc Tân Uyên có 2 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đã nâng cấp lên hợp tác xã nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đến hết quý I-2019, toàn huyện có 15 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác hoạt động.
DUY CHÍ