Sở Công thương Đắc Lắc vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi đến UBND các huyện, thị, thành phố và các doanh nghiệp, đại lý trên địa bàn tỉnh này đề phòng trước tình trạng một số thương lái Trung Quốc tung tin thu mua tiêu lép, tiêu bụi với giá xấp xỉ hoặc bằng tiêu chất lượng loại 1. Văn bản phát đi còn yêu cầu các doanh nghiệp, đại lý thu mua, xuất khẩu nông sản nếu phát hiện các thương lái thu mua có dấu hiệu bất minh cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Tiêu lép, tiêu bụi, theo một lãnh đạo Sở Công thương Đắc Lắc cho biết đó là tiêu hỏng, tiêu kém chất lượng.
Nhưng thương lái Trung Quốc vẫn tìm đến các doanh nghiệp, các đại lý đặt tiền cọc để mua hàng với số lượng lớn, giá cao là hiện tượng thu mua phi lý, cần phải cảnh giác, nếu không muốn bị lừa. Không dừng lại ở việc khuyến cáo, vị lãnh đạo này còn cho biết đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với cảnh sát kinh tế tỉnh Đắc Lắc nắm bắt thông tin để có biện pháp xử lý ngay. Cũng theo vị lãnh đạo Sở Công thương Đắc Lắc, thu mua tiêu kém chất lượng với giá cao thực chất là trò lừa đảo ngầm phá hoại kinh tế chứ không thể coi đó là hoạt động kinh doanh bình thường!
Thực tế tại địa bàn tỉnh này đã có một số doanh nghiệp, đại lý “sập bẫy”. Một số chủ đại lý vì không cưỡng lại được lợi nhuận hấp dẫn đã nhận tiền cọc và tung vốn ra thu mua hàng trăm tấn tiêu lép, tiêu bụi theo đơn đặt hàng. Tưởng rằng sẽ thu lợi lớn nhưng phải ôm nợ vì thương lái Trung Quốc đã một đi không trở lại!
Cùng thời điểm này tại Cần Thơ lại xảy ra hiện tượng thu mua cau non với giá cao. Trả lời báo chí, nhiều nông dân và cả thương lái người Việt đi gom hàng tại địa bàn này đều không biết thương lái Trung Quốc mua cau non để làm gì. Họ chỉ biết rằng bán được cau non với giá cao, hàng được tập kết về thành phố Hồ Chí Minh rồi đưa ra Bắc, sau đó hàng đi đâu, dùng để làm gì thì… mù tịt! Chính quyền một số quận, huyện ở Cần Thơ đã khuyến cáo người dân đừng vội thấy bán cau non được giá mà chặt phá các loại cây trồng khác để trồng cau, rất dễ dẫn đến tình trạng trồng ra chẳng biết bán cho ai và ôm nợ!
Hôm nay là mua tiêu lép, cau non. Những năm trước là mua mống trâu, mèo nhà, rễ tiêu, lá điều khô, cây sưa rừng… Thương lái Trung Quốc mua tất tần tật các loại sản vật với cách thức chẳng giống ai. Ấy vậy nhưng vì cái lợi trước mắt, nhiều nông dân, thương lái người Việt đã ôm nợ vì sự bội tín của các anh thương lái nước “láng giềng”! Bài học “xương máu” đó là nhãn tiền, nông dân, thương lái người Việt cần phải thuộc nằm lòng, nếu không tình trạng “ta lại hại mình” sẽ còn tiếp diễn!
CẢNH HƯỞNG