Bệnh nhân lao ngày càng tăng
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Trọng Lượng, khoa Lao - Trung tâm bệnh xã hội tỉnh, nhiễm lao và bị bệnh lao cần được hiểu đúng để phòng, chống bệnh tốt hơn. Tỷ lệ nhiễm lao cao như thế nhưng người dân cần hiểu nhiễm lao và bị bệnh lao hoàn toàn khác nhau. Các nguy cơ lây nhiễm bệnh cần được biết để đề phòng mắc bệnh. Đó là tiếp xúc với bệnh nhân (BN) lao trong đờm có vi rút lao, người nhiễm HIV (do sức đề kháng yếu), người mắc một số bệnh khác như tiểu đường, viêm dạ dày… Người dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, suy dinh dưỡng, môi trường của trại giam cũng khiến dễ mắc bệnh lao cao hơn do tiếp xúc trực tiếp với vi rút lao.
Y sĩ Nguyễn Thanh Long (phải) đang tư vấn cho bệnh nhân lao
Theo thống kê của Trung tâm bệnh xã hội tỉnh, năm 2012 có 2.061 ca BN lao được phát hiện và điều trị. Năm 2013 con số này tăng lên 2.171 ca. Số BN mắc mỗi năm một tăng là điều đáng quan tâm, lo ngại. Theo ước tính, dân số Việt Nam có khoảng 40% bị nhiễm vi trùng lao… Cũng theo BS Lượng, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có BN lao và được theo dõi, điều trị với khả năng lành bệnh hơn 91%. Tỷ lệ kháng lao tuy thấp nhưng vẫn còn.
Cần hiểu đúng để phòng, chống bệnh lao
Nhìn chung, người dân còn hiểu một cách mơ hồ về bệnh lao. Đây là loại bệnh xã hội, được điều trị miễn phí nên nếu có bất cứ nghi ngờ gì về bệnh lao, người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị đúng phác đồ. Bệnh lao lây truyền qua đường hô hấp do hít phải không khí có chứa vi khuẩn lao được sinh ra trong quá trình ho, khạc, hắt hơi hoặc nói chuyện với người bị lao phổi trong giai đoạn tiến triển. Do vậy phát hiện sớm và điều trị sớm làm giảm nhanh chóng khả năng lây truyền bệnh lao (sau 2 - 4 tuần). Nguy cơ nhiễm lao của người tiếp xúc tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc, mức độ thân mật, các hạt nhiễm khuẩn trong không khí và yếu tố chủ thể. Nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang mắc bệnh lao khoảng 10% trong đời nếu một người bị nhiễm vi khuẩn lao từ lúc nhỏ. Tuy nhiên, ở những người suy giảm miễn dịch như đồng nhiễm HIV thì nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao sẽ tăng lên rất cao. Cần chú trọng đến những đối tượng này để khuyến cáo đề phòng bệnh lao.
Khẩu hiệu của Ngày Thế giới chống lao năm nay là “Hãy tìm đến 3 triệu người”. Bệnh lao có thể chữa khỏi nhưng hiện những nỗ lực để tìm, chẩn đoán và điều trị những người bị mắc bệnh lao là chưa đủ. Trong số 9 triệu người mắc bệnh lao mỗi năm, 1/3 trong số họ đã bị bỏ lỡ bởi hệ thống y tế. Rất nhiều người trong số 3 triệu này đang sống ở những nơi nghèo khổ nhất thế giới, những cộng đồng dễ bị tổn thương hoặc những nhóm dân bên lề xã hội như người lao động nhập cư, người tị nạn, tù nhân, dân tộc thiểu số và người nghiện ma túy… Mọi người dân Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ tham gia chống lao.
Phòng bệnh lao là áp dụng các biện pháp nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao và giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao. Cần kiểm soát vệ sinh môi trường: thông gió tốt, vị trí làm việc hợp lý theo chiều thông gió, thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp) nhằm làm giảm các hạt nhiễm khuẩn ra môi trường dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác khi hắt hơi, ho. Khạc đờm vào giấy hoặc ca, bỏ đúng nơi quy định, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Lấy đờm xét nghiệm đúng quy định. Bên cạnh đó phải tuân thủ quy trình khám và chăm sóc BN. Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao: Tiêm vắc-xin BCG (Bacille Calmette-Guérin) do chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện nhằm giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao… Các cơ sở y tế cũng phải thực hiện đầy đủ quy chế kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm lao theo quy định.
QUỲNH NHƯ - HỒNG THUẬN