Lẽ nào điệu hò cấy Bình Dương sẽ mất?

Cập nhật: 01-08-2011 | 00:00:00

Bình Dương trước đây là vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa nước, mỗi lần xuống đồng mọi người mượn điệu hò, tiếng hát để vơi đi nỗi vất vả. Bởi vậy, không ai có thể nhớ được điệu hò cấy ra đời từ đâu, lúc nào. Tuy nhiên, tốc độ công nghiệp hóa như hiện nay kéo theo điệu hò cấy cũng mất dần. Để tìm lại điệu hò đặc trưng của tỉnh, người viết đã đến nhiều xã, tìm gặp những bậc cao niên “sống chung” với điệu hò cấy với mong muốn tìm lại và giữ gìn một hoạt động văn hóa phi vật thể đặc sắc của Bình Dương.

   Khung cảnh vừa cấy, vừa hò giúp mọi người vơi đi mệt mỏi

Bối cảnh ra đời

Hò cấy Bình Dương - còn gọi là hò đối đáp, là một thể loại dân ca ra đời trong môi trường giao lưu sinh hoạt ở nông thôn, gắn liền với nghề nông “chân lấm tay bùn”. Từ xưa, cuộc sống người dân Sông Bé gắn chặt với ruộng đồng, cây lúa trở thành người bạn đường thân thiết. Công việc có khó khăn cực nhọc nhưng khi cất tiếng hò hát, bao nỗi nhọc nhằn dường như tan biến. Hò cấy thường diễn ra ngay trên đồng ruộng, có thể kéo dài từ sáng cho đến chiều tối. Các nhóm hò, có kẻ xướng người xô, vừa lao động, vừa trổ tài đối đáp.

Tác giả của những điệu hò cấy, chính là người dân thuộc nhiều thế hệ ở địa phương. Đa số những nghệ nhân sáng tác là những người mê hò hát, có năng khiếu về ca từ, thông hiểu chữ nghĩa kinh truyện của thánh hiền. Tất cả bài bản hò cấy đều làm theo thể lục bát hoặc biến thể lục bát. Nội dung khá phong phú đa dạng, phần lớn là các câu hò giao duyên tình cảm, một số bài ca ngợi luân thường đạo lý, nặng tính giáo dục. Nhiều bài còn có nội dung chê bai đả kích kẻ bất trung, gian nịnh, bội nghĩa vong tình, nhắc nhở mọi người phải lấy đó làm gương. Những điệu hò đó được lưu truyền bằng con đường truyền miệng, không được ghi chép cụ thể.

Một cuộc hò cấy thường trải qua ba chặng. Chặng đầu là hò thăm hỏi, đây là giai đoạn làm quen, tìm hiểu đối phương, rào đón và dò dẫm tình ý, tài nghệ. Lời hò phải thể hiện sự khiêm nhường, từ tốn, lịch sự. Chặng hai là hò đối đáp, là giai đoạn chính của cuộc hò, hễ bên trai đố thì bên gái giải, bên gái gài thì bên trai gỡ. Lúc này cuộc hò trở nên sôi nổi, hồi hộp, gay cấn và hào hứng. Chặng cuối là hò giã từ, hò tiễn bạn, đôi bên giã từ nhau qua những câu hò nặng tình lưu luyến, cảm phục, thương nhớ.

Nhớ lại thời lấm tấm mồ hôi cùng gia đình đi cấy lúa thuê, cùng hò đối đáp lẫn nhau, ông Nguyễn Nghĩa Hiệp, ngụ ấp Bình Chữ, xã Bạch Đằng, Tân Uyên tâm sự: “Tôi còn nhớ như in những ngày được cùng gia đình đi cấy. Tuy công việc đồng áng vất vả nhưng tiếng hò đã làm vơi bớt phần nào. Những ngày xuống đồng sớm hay những đêm trăng thanh gió mát, chúng tôi vừa cấy lúa vừa hò đối đáp theo tiếng chân bước đều trên mặt nước, tiếng sột soạt của mạ non được rút ra khỏi mớ mạ... tất cả tạo nên một không khí lao động sôi nổi”.

Náo nức một thời...!

Ngày xưa các loại hình giải trí phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân hạn chế, bởi vậy điệu hò, câu hát được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu. Nó xuất hiện trong những đêm giao lưu văn nghệ, lễ, tết, đám tiệc... như một phần của cuộc sống. Ông Trần Văn Thu (SN 1929), ấp Tân Long, xã Bạch Đằng, Tân Uyên một trong những cao niên còn lưu giữ điệu hò cấy tâm sự, hò cấy không chỉ được hò lúc cấy mà còn được tổ chức riêng trong nội bộ từng làng hoặc hò hẹn, giao lưu với những làng lân cận. Vào những đêm trăng trời quang mây tạnh, dân làng lại chọn một bãi đất trống hoặc một đám ruộng khô nào đó để làm nơi hò hát. Nếu có mời làng khác, vai chủ phải chuẩn bị chu đáo tất cả đồ nhu dụng và tiếp tân. Qua những đêm hò cấy là cơ hội để các đôi trai gái gặp gỡ công khai, dùng điệu hò câu hát để ngỏ ý giao duyên hay tâm sự việc nghĩa nhơn chung thủy, đồng thời cũng để thi thố tài năng ứng đối thấp cao.

Tự hào kể về thời còn được các chàng “săn đón” nhờ có giọng hò vang, ấm, bà Võ Kim Định (SN 1930) ấp Tân Long, xã Bạch Đằng, Tân Uyên cho biết: “Thuở ấy hai làng cách nhau trên dưới chục cây số đã là xa lắm, phương tiện đi lại chủ yếu là đôi chân, thế nhưng mỗi lần có đợt hò đối đáp giữa các làng với nhau, chúng tôi cố gắng sắp xếp công việc để đi hò hoặc đi nghe hò. Nhiều đôi trai gái từ những cuộc hò mà phải lòng nhau rồi nên duyên chồng vợ. Ngoài ra, đến với đêm hò cấy còn là để “học ăn, học nói, học gói, học mở”, bởi vậy trong những dịp giao lưu hò hát, trai gái xưng hô đối đáp với nhau rất nhã nhặn, lịch sự”.

Ngày nay, do những thăng trầm của lịch sử và biến động của thời gian, điệu hò cấy đang dần vắng bóng trong cuộc sống hiện đại. Đó cũng là điều trăn trở của các cụ cao niên đã từng gắn bó với đồng quê, điệu hò mà chúng tôi gặp trên đường đi tìm lại điệu hò cấy Bình Dương.

Khôi phục - bài toán khó!

Cũng như số phận nhiều loại hình dân ca khác, điệu hò cấy Bình Dương cũng đã bị lãng quên dần, thậm chí đã bị mất hẳn dấu vết. Trong giới cao niên hiện còn sống ở Bình Dương cũng ít ai nhớ rõ hoặc nhớ đầy đủ bài bản, giai điệu hò cấy, còn giới trẻ thì tỏ ra bàng quan, xa lạ. Vì thế việc sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, bảo vệ và phổ biến làn điệu dân ca hò cấy - một vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bình Dương là rất cần thiết. Đây là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết hiện nay. Nó càng cấp thiết hơn khi các vị nghệ nhân, các cụ lão thành ở địa phương lần lượt qua đời và mang theo cả những hiểu biết quý báu mà chưa kịp ghi chép lại.

Để giải được bài toán bảo tồn, phát huy điệu hò cấy tỉnh Bình Dương, ông Phú, cán bộ văn hóa Trung tâm VH-TT TX.Dĩ An cho biết, muốn khôi phục lại điệu hò cấy, các cán bộ VH-TT xã, phường cần đi sâu, đi sát tìm kiếm những người còn lưu giữ lại điệu hò. Bên cạnh đó, cần tổ chức các CLB, đội, nhóm cho các cụ cao niên đam mê hò cấy họp mặt, ghi chép lại những câu hò để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. Đồng thời, mở lớp dạy, thường xuyên tổ chức biểu diễn, giao lưu nhằm giới thiệu hò cấy đến với mọi người. Tuy nhiên, dựng được nguyên bản nếp sinh hoạt xưa kia không phải dễ. Nếu sân khấu hóa được “cánh đồng” khi biểu diễn sẽ tránh được sự nhàm chán cho người xem và người diễn.

Tìm lại điệu hò cổ đã khó, khôi phục và gìn giữ càng khó hơn, nhất là khi chỉ trông chờ vào lòng nhiệt tình, yêu nghệ thuật của người dân. Hy vọng rằng, hò cấy sẽ nhận được sự quan tâm của ngành chức năng để vốn văn hóa quý của đất Bình Dương được lưu truyền mãi mãi.

THIÊN HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên