Sản phẩm được sản xuất từ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ (đạt các chứng nhận theo tiêu chuẩn Việt Nam và các tiêu chuẩn chuẩn quốc tế) thường có chi phí sản xuất và giá thành cao. Từ đó phân khúc thị trường tiêu dùng cũng ở mức cao, đặc biệt thị trường chủ yếu ở các trung tâm đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài sản phẩm từ nông sản, mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái còn có khả năng phát triển thành các mô hình du lịch, các điểm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp tạo ra đa giá trị cho mô hình sản xuất. Để tổ chức hiệu quả, các mô hình sản xuất này cũng yêu cầu cao về nguồn chuyên gia, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Quá trình liên kết với các trung tâm khoa học công nghệ trong khu vực, chuyên môn hóa các khâu theo yếu tố đầu vào cũng là điều kiện để hình thành hệ sinh thái đa dạng cho các mô hình sản xuất, tạo thuận lợi cho việc phát triển.
Xét cả yếu tố thị trường đầu ra lẫn nguồn nguyên vật liệu và khoa học công nghệ đầu vào, sự liên kết chặt chẽ trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Hiện nay, tỉnh đã cụ thể hóa nhiều giải pháp liên kết vùng để thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành nói chung và các mô hình sản xuất kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nói riêng.
Với định hướng phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, đề án xây dựng thành phố thông minh, phát triển kinh tế tuần hoàn được triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện cho việc tập trung nguồn lực để phát triển. Bên cạnh đó, nhận thức của người sản xuất được lồng ghép, đào tạo từ nhiều hoạt động liên quan đến các lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyên gia hỗ trợ được mời gọi, kết nối hỗ trợ. Kỳ vọng kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cao.
HẠNH NHI