Tại hội nghị liên kết phát triển du lịch (DL) vùng Đông Nam bộ, 6 tỉnh, thành trong vùng đã trao đổi, bàn bạc, tìm giải pháp liên kết để phát triển. Là một thành viên tham gia hội nghị lần này, ngoài giới thiệu những tiềm năng, sản phẩm, chương trình kích cầu DL của địa phương, Bình Dương cũng đưa ra nhóm giải pháp liên kết để phát triển du lịch trong thời gian tới...
Kỳ 2: Giải pháp liên kết
Ông Nguyễn Thanh Trúc (thứ 4 từ phải qua), Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch Bình Dương
Kích cầu du lịch
Đông Nam bộ được xem là vùng kinh tế năng động nhất cả nước và có nhiều lợi thế để phát triển DL. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ sau Tết nguyên đán 2020 đến nay, ngành DL chịu khá nhiều thiệt hại. Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành DL Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn. Để phục hồi ngành DL, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Dương, cho biết ngành DL Bình Dương sẽ chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhất để việc liên kết phát triển DL vùng Đông Nam bộ đạt được kết quả như mong muốn. Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã phát động Chương trình “Người Việt Nam đi DL Việt Nam” với mục tiêu kích cầu DL nội địa, tạo điều kiện để người dân DL tới các vùng miền trong cả nước trong bối cảnh bình thường mới sau dịch bệnh Covid-19.
Cùng với ngành DL cả nước, Bình Dương cũng đã có những hoạt động cụ thể nhằm đẩy mạnh kích cầu DL đến các đơn vị kinh doanh lữ hành, các cơ sở lưu trú, điểm DL trên địa bàn tỉnh. Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch “Truyền thông, xúc tiến quảng bá và chương trình kích cầu thu hút khách DL đến Bình Dương năm 2020” và phát động chương trình “Người Việt Nam đi DL Việt Nam”; tổ chức hội nghị gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ DL trên địa bàn tỉnh nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có những biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển, mở rộng kinh doanh tạo đà phục hồi cho ngành DL Bình Dương. Nhìn chung, đa số các đơn vị kinh doanh dịch vụ DL trên địa bàn tỉnh đều tích cực tham gia hưởng ứng chương trình này bằng những hoạt động kích cầu cụ thể.
Liên kết để phát triển
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong thời gian qua Bình Dương đã tập trung triển khai thực hiện các biện pháp theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả khả quan, chưa khai thác hết tiềm năng DL, còn nghèo về sản phẩm, chưa thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế. Đây cũng là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Bình Dương nói riêng và cả khu vực nói chung.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, hội nghị lần này là bước đầu để việc hợp tác, liên kết được thực hiện, đặt ra các giải pháp, các vấn đề cần giải quyết. Để thực hiện hiệu quả việc liên kết phát triển DL vùng Đông Nam bộ, Bình Dương cũng đưa ra một số giải pháp. Đó là khai thác, đầu tư và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh DL của mỗi địa phương, làm mới, hoàn thiện sản phẩm vốn có; liên kết sản phẩm du lịch. Sản phẩm DL ở mỗi địa phương phải bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý và làm hài lòng du khách khi đến trải nghiệm dịch vụ của từng địa phương. Ngoài ra, cần hỗ trợ và chia sẻ thông tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hoạt động về lĩnh vực DL trong vùng có cơ hội tìm hiểu, tham gia thực hiện các dự án đầu tư, phát triển DL ở từng địa phương. Sau khi hoàn thiện sản phẩm DL lựa chọn, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, chất lượng của từng địa phương để đưa vào hệ thống cung cấp sản phẩm DL. Hoạch định các cơ chế chính sách trong việc liên kết giữa các địa phương để phát triển DL vùng Đông Nam bộ...
Theo các chuyên gia, liên kết có hiệu quả phải được đo lường trên các tiêu chí: Du khách đến với vùng Đông Nam bộ ngày càng đông hơn, ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, quảng bá nhiều hơn và tỷ lệ du khách quay lại cũng nhiều hơn. Đó cũng là mục tiêu mà hội nghị liên kết phát triển DL vùng Đông Nam bộ đặt ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cho biết vai trò của ngành DL như một ngành kinh tế tổng hợp, nhất là sau khi Bộ Chính trị có nghị quyết nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển DL thành ngành kinh tế mũi nhọn. Không chỉ là ngành kinh tế, ngành DL còn là một kênh giao lưu giữa nhân dân trong nước và quốc tế. Qua đó, phát huy, bảo tồn và làm mới các giá trị văn hóa... Theo Phó Thủ tướng, làm DL đương nhiên phải khai thác lợi thế tự nhiên để phát triển, nhưng khi nào chưa đủ tiềm lực về kinh tế, đặc biệt là chưa đủ hiểu biết và công nghệ thì nên thận trọng. Chừng nào chưa chắc thì chuẩn bị cho kỹ hơn, chắc rồi thì mới làm... “Lúc này cũng là lúc chúng ta nhìn lại cơ cấu thị trường, xem xét lại các sản phẩm. Trong thách thức có thời cơ, đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại và làm mới mình. Tôi rất mong với sự hợp tác giữa các địa phương với nhau, hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp và đặc biệt là kêu gọi mọi người dân cùng tham gia vào trên cả bình diện trong nước, giữa các địa phương và Việt Nam với các nước, nhất định DL sẽ vượt qua được thời đoạn rất khó khăn này...”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
HỒNG THUẬN