Thời gian qua, khi toàn tỉnh “oằn mình” trước làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19, những cách làm hay, sáng tạo được đúc kết ngay từ thực tiễn phòng, chống dịch bệnh đã giúp Bình Dương vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Trong trạng thái “bình thường” mới, ngoài những thành tích chống dịch bệnh thì sự đồng thuận xã hội cũng là một trong những yếu tố giúp giữ vững sự an toàn trước đại dịch.
Nhiều cách làm sáng tạo
Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết, đợt dịch vừa qua, thành phố chủ trương cho 48 ca F0 điều trị tại phòng trọ. Lực lượng y tế cơ sở, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của phường và thành phố đã trực tiếp chỉ đạo và theo dõi sát diễn biến của “cụm phong tỏa F0”, hướng dẫn điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Việc mạnh dạn áp dụng biện pháp điều trị F0 không triệu chứng tại phòng trọ bước đầu mang lại kết quả tốt.
Mô hình Bệnh viện dã chiến đã góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh
Trong khi đó, vào thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, “khóa chặt, đông cứng”, phường Thuận Giao, TP.Thuận An đã thành lập 5 Trạm Y tế lưu động ở 5 khu phố; trưng dụng trường học, văn phòng khu phố để bố trí làm nơi thu dung điều trị F0. Hoạt động của các trạm y tế lưu động đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác cấp cứu, hỗ trợ kịp thời cho nhân dân thông qua đường dây nóng và Tổng đài 1022. Khi người dân cần hỗ trợ về y tế, các thành viên các trạm đã nhanh chóng kịp thời đến nơi để cấp cứu, tư vấn, hỗ trợ thuốc cho người dân. Những trường hợp chuyển biến nặng sẽ liên hệ để chuyển lên tuyến trên tránh trường hợp tử vong. Từ khi thành lập cho đến nay, các trạm y tế lưu động đã tổ chức sơ cấp cứu, chuyển viện 378 trường hợp nặng, tư vấn hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà 609 trường hợp, cấp phát thuốc tại nhà cho 773 người bệnh.
Trong khi đó, Tổng Công ty Becamex IDC đã đồng hành cùng tỉnh trong cuộc chiến chống lại đại dịch bằng hoạt động xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến. Trong đợt dịch thứ 4, Becamex IDC đã điều trị thành công cho hơn 41.000 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Kinh nghiệm sâu sắc trong chống dịch bệnh
Dịch bệnh đã tác động đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế xã hội của tỉnh. Các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt xa so với dự báo gây quá tải hệ thống y tế và làm tăng các ca tử vong. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận: “Trong thời gian đầu của đợt dịch bệnh, công tác chỉ đạo điều hành ở một số cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở có nơi, có lúc còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, có chỗ hốt hoảng, lúng túng, bị động, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì khi dịch bệnh xảy ra. Việc triển khai giãn cách xã hội còn tình trạng chặt ngoài, lỏng trong, công tác lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm còn chậm, thậm chí có nơi còn để chậm trễ trong khâu nhập liệu. Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch bệnh”.
Từ thực tiễn chống dịch đã triển khai trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn tăng cường giãn cách xã hội, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm trong chống dịch bệnh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trước tiên cần tăng cường trách nhiệm và vai trò chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, thiết lập bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh xuống cơ sở một cách thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, hoạt động hiệu quả; các cấp, các ngành luôn chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương và có sự sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; công tác tiếp nhận, huy động và điều phối lực lượng phải bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực tiễn cho thấy, nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành sâu sát, quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát đi đôi với hướng dẫn tổ chức thực hiện, bám cơ sở, bám địa bàn để chỉ đạo, xử lý tình huống thì công tác phòng, chống dịch bệnh nơi đó đạt hiệu quả cao, người dân an tâm trong việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong điều phối lực lượng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và đoàn thể chính trị, nhất là lực lượng tuyến đầu. Sự năng động, khẩn trương, tham gia tích cực của Tổng Công ty Becamex IDC đã hỗ trợ tỉnh trong việc đầu tư xây dựng các bệnh viện dã chiến, mua sắm các máy móc, trang thiết bị phụ trợ phục vụ công tác chống dịch. Trong khi dịch bệnh xảy ra, công tác an sinh xã hội đối với người dân trong vùng dịch, nhất là ở khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa đặc biệt quan trọng; cùng với đó là việc nâng cao các điều kiện về ăn ở, động viên tinh thần đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch yên tâm công tác.
Ngành y tế chủ động các phương án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở điều trị khi số ca mắc tăng cao, điều trị sớm để giảm bệnh nhân chuyển nặng, tử vong. Ngành bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, dựa trên cơ sở khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, tránh bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến dịch bệnh. Ngoài ra, công tác thông tin truyền thông cần tạo sự đồng thuận xã hội.
HOÀNG LINH