Lối sống ít vận động, cộng với áp lực tâm lý của thời đại công nghiệp đã làm tăng nhanh tỷ lệ các loại bệnh liên quan đến hội chứng chuyển hóa, như: Béo phì, xơ vữa động mạch, áp huyết cao, đái tháo đường. Một trong những giải pháp để ngăn chặn tình trạng này được các nhà chuyên môn đưa ra là thực hành đi bộ. Đây là một biện pháp vừa đơn giản, vừa không tốn kém và phù hợp với mọi người. Từ lâu, các nhà khoa học đã chứng minh được tác động hữu ích của đi bộ trong việc làm giảm nguy cơ các loại bệnh tiểu đường type 2, áp huyết cao, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Đi bộ còn mang lại lợi ích tích cực trong việc tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện các chứng rối loạn sinh dục và gia tăng trí lực.
Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch thế giới, đi bộ có tác dụng: Tăng sự tỉnh táo, cải thiện giấc ngủ, giảm mỡ trong cơ thể, tăng tuổi thọ, tăng hệ miễn dịch, có sức đề kháng tốt… Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Văn Thu, Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh nói rằng, đi bộ đặc biệt phù hợp với sức khỏe và điều kiện của từng người ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 3 ngày mỗi tuần rất tốt cho ổn định huyết áp và người tăng huyết áp. Đi bộ còn có tác dụng giảm đường máu đối người bị bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, đi bộ còn tốt cho cơ quan vận động xương cơ khớp, tăng hoạt động hiệu quả của cơ quan hô hấp, làm giảm stress, đem lại tinh thần sảng khoái và một cuộc sống vui tươi hơn.
Các BS cũng khuyên rằng, đi bộ nên thực hành ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần, nam cũng như nữ. Đặc biệt, đối với những người cao tuổi, đi bộ sẽ giúp gân cốt chắc hơn, đi lại nhờ đó cũng vững vàng hơn và ít bị ngã do giữ được thăng bằng tốt hơn. Tuy nhiên, đi bộ cũng cần phải đúng cách và thực hiện càng sớm (trẻ) càng tốt. Nhịp thở trong lúc đi bộ là hết sức quan trọng. Người đi bộ phải biết điều hòa nhịp thở của mình, hít thở sâu, thở ra từ từ cùng nhịp tay vung. Và một khi đã chọn đi bộ là môn tập luyện sức khỏe thì nên thực hiện đều đặn, không nên bỏ cách quãng quá lâu mới mong có được tác dụng như ý muốn.
CẨM LÝ