Nên ở nhà ôn luyện, giữ gìn sức khỏe
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết: “Kinh nghiệm cho thấy nhiều năm trở lại đây, đề thi đại học không quá khó với thí sinh. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là đủ. Kiến thức học này phải được đầu tư thời gian dài trong những năm học phổ thông chứ không thể 1 tháng luyện thi cấp tốc mà thay đổi được. Do vậy, thời điểm này, các em học sinh nên ở nhà tập trung ôn lại kiến thức đã học và giữ gìn sức khỏe”.
Thầy Cương cho hay, các lò luyện thi cấp tốc hiện nay là hoạt động kinh doanh nên đã kinh doanh là phải có lãi nên họ đưa đủ cách để thu hút thí sinh vào học. Các em học sinh cần hết sức lưu ý.
Khung cảnh một lò luyện thi ở Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hùng)Đồng quan điểm, thầy giáo Vũ Quốc Lịch - Trường THPT Hà Nội Amsterdam - Hà Nội cho rằng: “Thi đại học kiến thức rất cơ bản, hoàn toàn nằm trong chương trình đã học. Do vậy, thí sinh không cần phải đến lò luyện vì không cần thiết. Nếu các em đến lò luyện mà luyện từng bài thì không có giá trị. Tôi khuyên các em nên ở nhà tổng hợp các kiến thức lại theo từng chủ đề sẽ hiệu quả hơn nhiều khi đi luyện thi cấp tốc”.
Còn cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng - Trường THPT Đào Duy Từ Hà Nội cho biết: “Đi luyện thi thời điểm này là các em giải quyết tâm lý vì chưa tin tưởng vào kiến thức của mình. Việc luyện thi cấp tốc là quyền của các em, không ai cấm. Nhiều trung tâm luyện thi đưa ra nhiều cách tuyển sinh với nhiều “chiêu trò” để thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, chỉ còn 2 tuần nữa là đến thi rồi, các em nên giữ gìn sức khỏe là chính vì kiến thức thi đại học là kiến thức tổng hợp 3 năm phổ thông chứ không thể trong vài tuần cuối này”.
Đề thi đại học không nằm ngoài chương trình đã học
Chủ trương của Bộ GD-ĐT, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ ra theo cách kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.
Bám sát chương trình trung học (theo từng bộ môn). Có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học. Tuy nhiên, đề thi sẽ phân loại được trình độ học lực của thí sinh.
Với đề thi đại học năm nay, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, một số câu hỏi trong đề thi sẽ ra theo hướng mở và chủ trương của Bộ GD-ĐT không bắt thí sinh phải tổng hợp, vận dụng quá nhiều kiến thức cho mỗi câu hỏi.
Chia sẻ với thí sinh chuẩn bị thi đại học, Thứ trưởng Ga cho biết: “Các em học sinh cần xác định phần kiến thức nào của mình còn yếu, còn thiếu thì tập trung bổ sung, củng cố, hoàn thiện, tránh ôn tập lan man, học tủ, học lệch, chạy theo các loại sách tham khảo, các lò luyện thi. Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, động viên để các em có được tâm lý thoải mái, có sức khỏe tốt bước vào kỳ thi, tránh gây cho các em áp lực căng thẳng không cần thiết”.
Theo Dân Trí