(BDO) Có thể khẳng định rằng, không ai sống trên đời từ thưở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành và xa hơn nữa là đến lúc từ giã cuộc đời lại không trải qua những cơn bệnh. Những lúc ta lâm bệnh thì người giúp ta bình phục là những thầy thuốc. Lúc ấy gần như sinh mạng của ta phó thác cho thầy thuốc. Nếu ta được điều trị bởi một thầy thuốc giỏi tay nghề và có lương tâm thì ta sẽ mau hết bệnh. Ngược lại nếu ta gặp phải một thầy thuốc vô tài, kém đức thì có thể bệnh của ta không khỏi mà còn có nguy cơ thiệt mạng.
Ta cần nhận ra rằng nghề thầy thuốc là nghề rất vất vã. Các bác sĩ, y tá có khi phải thức trắng đêm để cấp cứu cho bệnh nhân, giúp cho bệnh nhân thoát khỏi lưới rập của tử thần. Xã hội bây giờ có biết bao thầy thuốc sống với nghề nhờ tấm lòng của mình. Có nhiều bác sĩ sẵn sàng hiến máu mình để cấp cứu cho bệnh nhân.
Cao quí hơn cả là các bác sĩ chữa trị cho các bệnh nhân AIDS trong giai đoạn cuối. Tại các bệnh viện này, chỉ cần nhìn những bệnh nhân với thân hình khô khốc như còn da bọc xương, mình mẫy lở loét, chi chít mụn nhọt là ta phát rùng mình. Vậy mà các bác sĩ và nhân viên y tế tại đây đã ngày đêm chăm sóc họ. Có biết bao bệnh nhân AIDS từ lúc vào viện cho đến khi từ giã cuộc đời không hề có người thân thăm viếng. Có người bệnh được người thân ghé thăm thì người thân của họ cũng e dè vì sợ lây bệnh. Những bệnh nhân bất hạnh này chỉ còn biết trông chờ vào tấm lòng nhân ái của các nhân viên y tế trong bệnh viện. Quả thật chỉ có tấm lòng nhân hậu của các bác sĩ, y tá mà các bệnh nhân AIDS mới có niềm tin lại để sống trên đời.
Tuy nhiên, bất kỳ nghề nghiệp nào trong xã hội cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh những “Lương y như từ mẫu” thì vẫn còn những thầy thuốc xem thường sức khỏe và sinh mạng của bệnh nhân. Họ thản nhiên trước sự đau đớn, vật vã của bệnh nhân. Họ chữa trị một cách thờ ơ, vô trách nhiệm. Nhiều bệnh nhân đã tử vong khi gặp phải những thầy thuốc thiếu y đức. Bệnh nhân vướng phải căn bệnh này nhưng họ lại chẩn đoán bệnh kia rồi “đè” ra mổ bệnh nhân một cách vô tội vạ. Sau khi mổ lần đầu không đúng bệnh, bệnh nhân phải chịu mổ lần thứ hai và rồi bệnh nhân đã chết tại giường bệnh vì không đủ sức chịu đựng. Trong bệnh viện, thường gặp trường hợp bệnh nhân gọi khản cả cổ: “Bác sĩ ơi! Cứu giùm em”. Vậy mà tại phòng trực có nhiều vị bác sĩ vẫn làm ngơ.
Thầy giáo cũng có khi nói sai, nói nhầm một câu khi giảng bài và sau đó cáo lỗi trước học sinh thì sự sơ suất này có thể bỏ qua. Một anh thợ máy yếu tay nghề cũng có khi làm hỏng máy móc của khách hàng. Khách hàng mất niềm tin thì tìm thợ khác giỏi hơn. Chỉ có ngành y tế là khó chấp nhận sự sai sót của thầy thuốc. Chỉ cần một sơ suất nhỏ của thầy thuốc có thể mất đi một mạng người và thầy thuốc không có cơ hội sửa sai ngoại trừ họ bị tòa án lương tâm giày vò vì sự bất cẩn của mình. Sinh mạng của con người là vô giá nên ai đã chấp nhận theo ngành y thì cần phải có lương tâm và trách nhiệm. Thầy thuốc mà thiếu lòng nhân thì hãy chuyển nghề khác vì không còn xứng đáng là từ mẫu trong lòng bệnh nhân.
Ngày 27- 2 lại về và chúng ta lại suy ngẫm về y đức của người thầy thuốc trong xã hội ngày nay. Cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp biết bao nếu tất cả các lương y đều là từ mẫu. Như thế thì dù bệnh nhân có phải trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh thì họ cũng mãn nguyện. Bởi vì trước khi từ giã cuộc đời, họ được đón nhận những cử chỉ ân cần, những ánh mắt tiếc thương của bác sĩ. Bệnh nhân sẽ nở nụ cười lần cuối trước khi trở về với cát bụi./.
NGUYỄN THANH DŨNG