Những năm gần đây ngành chăn nuôi tại Bình Dương phát triển khá mạnh. Bên cạnh việc đem lại lợi ích về kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, một số cơ sở chăn nuôi vẫn còn gây ô nhiễm môi trường (ONMT), lãng phí nguyên liệu tái sinh. Để giải quyết vấn đề này, việc xây dựng các hầm, bể chứa biogas đã được nhiều cơ sở triển khai nhằm xử lý phân, chất thải trong chăn nuôi.
Túi ủ biogas 1.100m3 bằng màng chống thấm HDPE khi hoàn thành
An toàn với môi trường
Thông qua hệ thống xử lý của hầm biogas, lượng vi khuẩn gây hại trong phân và chất thải chăn nuôi bị phân hủy thành khí gas và nước, khí gas từ hầm biogas là hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc xây dựng hầm biogas bằng gạch, bê tông, composite có chi phí tương đối cao và dễ bị lún, nứt, bề mặt bê tông bị axít ăn mòn do nhiệt độ nóng, hiệu quả xử lý môi trường không cao... và chỉ áp dụng đối với các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ. Từ năm 2000 trở lại đây, màng chống thấm HDPE (hight density polypropylenne) được sử dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó việc dùng làm túi biogas, hầm biogas, bể chứa biogas đã đem lại hiệu quả cao.
Ông Lê Trọng Khánh, cán bộ Phòng Tiết kiệm năng lượng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (ƯDTBKHCN) tỉnh cho biết, màng chống thấm HDPE chủ yếu là nhựa nguyên sinh (hơn 97%), phần còn lại gồm cacbon đen, chất ổn định nhiệt, chất kháng tia tử ngoại (UV). Vì vậy, HDPE không độc hại, an toàn với môi trường và có thể sử dụng làm bể chứa nước ngọt. Bên cạnh đó, trước đây để xây dựng hầm biogas bằng gạch, bê tông hay composite chi phí khoảng 2 triệu đồng/m3 thì hiện nay, việc dùng màng HDPE chi phí chỉ còn 50.000 - 200.000 đồng/m3 tùy quy mô và thời gian thi công.
Gia đình anh Dương Phước Tích ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một là một trong những hộ thực hiện thí điểm mô hình, được Trung tâm ƯDTBKHCN tỉnh hướng dẫn lắp đặt túi bạt HDPE để đựng chất thải chăn nuôi. Anh Tích cho biết, trước đây gia đình xây dựng hầm biogas bằng bê tông, ban đầu đem lại hiệu quả nhưng qua một thời gian hầm nhanh chóng xuống cấp, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc gây ô nhiễm. Vì vậy, gia đình đã đầu tư 15 triệu đồng làm túi bạt HDPE để chứa chất thải chăn nuôi heo. Sau khi xử lý, gas từ túi bạt biogas sản sinh rất nhiều, đủ để gia đình nấu nướng, sinh hoạt, tiết kiệm khá nhiều chi phí so với cách làm trước đây và giảm thiểu mùi hôi của nước thải trong chăn nuôi.
Hiệu quả kinh tế cao
Màng chống thấm HDPE dày từ 0,3mm - 3mm. Chi phí để làm các bể chứa, hầm chứa có dung tích lớn giảm đến gần 70% so với sử dụng các vật liệu khác. Ông Khánh cho biết, đối với các loại hầm ủ bê tông tuy tuổi thọ trung bình cao nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn, khó thi công và chỉ xây dựng với thể tích nhỏ; còn các hầm biogas bằng ni-lông tuy có chi phí đầu tư ban đầu thấp nhưng tuổi thọ trung bình ngắn. Do đó, làm hầm, bể chứa biogas bằng phương pháp trải bạt màng chống thấm HDPE mang lại hiệu quả. HDPE chịu nhiệt rất cao, hơn 2000C nên có độ bền cao, không bị ăn mòn bởi axit hay bazơ, kín tuyệt đối, dễ khắc phục các sự cố và có thể thi công trên nhiều địa hình khác nhau. Đây cũng là vật liệu duy nhất làm được hầm, bể chứa biogas khối lượng lớn.
Bên cạnh đó, với những trang trại lớn, việc xây hầm kín khí bằng cách hàn màng HDPE thành 2 lớp khí gas sinh ra từ giữa hai lớp màng HDPE sẽ được dẫn qua hệ thống đường ống và sử dụng với mục đích phát điện hoặc làm chất đốt rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Thế Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm ƯDTBKHCN tỉnh, cho biết bằng công nghệ sử dụng bạt HDPE để xây dựng túi ủ, hầm, bể chứa biogas đã đem lại nhiều thuận lợi trong quá trình thi công và sử dụng như chi phí vật liệu thấp, thời gian thi công nhanh, tuổi thọ vật liệu cao, bền so với hầm truyền thống. Thêm vào đó, nước thải qua hệ thống biogas được sử dụng vật liệu HDPE còn tận dụng làm phân vi sinh hoặc tưới rau sạch mang lại phân bón an toàn cho canh tác, hạn chế côn trùng phát triển và sinh trưởng, qua đó giúp giảm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người nông dân...
HOÀNG PHẠM