Máy ATM quá tải, giải pháp nào? - Kỳ 1

Cập nhật: 19-11-2020 | 07:40:29

Kỳ 1: Khách hàng bức xúc

 Tình trạng máy ATM hết tiền, trục trặc, quá tải... diễn ra phổ biến trong những ngày qua khiến người sử dụng thẻ không khỏi bực mình, nhất là những ngày cao điểm trả lương cho công nhân lao động. Đâu là nguyên nhân, giải pháp nào đặt ra cho phía các ngân hàng cung cấp dịch vụ? Phóng viên Báo Bình Dương đi tìm câu trả lời!

 Dù đã rất muộn nhưng vẫn có nhiều người xếp hàng chờ đợi rút tiền tại trụ ATM Vietcombank trên đại lộ Bình Dương

 “Rồng rắn” chờ rút tiền

Ghi nhận tại trụ máy ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đường số 18 (KCN VSIP II, TX.Tân Uyên), ngày 10-11. Thời điểm 20 giờ 20 phút, không khí đông đúc ở đây vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, rất nhiều công nhân lao động vẫn phải xếp hàng “rồng rắn” chờ đợi để rút tiền trong trạng thái bức xúc. Nhiều người đã bỏ về vì phải chờ đợi quá lâu. Theo nhiều công nhân lao động, do một số trụ ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong Khu công nghiệp VSIP II bị lỗi hoặc đã hết tiền, đa số công nhân lao động chuyển qua trụ ATM của Vietcombank để rút tiền lương.

Theo anh Nguyễn Đức Tâm, Công ty TNHH Zeng Hsing Industrial: “Những ngày được nhận lương là chúng tôi phải chật vật xếp hàng dài để chờ đợi rút tiền. Nhiều khi tăng ca về trễ nhưng chúng tôi vẫn phải chờ đợi rút cho được tiền lương để trang trải các chi phí. Khổ nỗi, chờ đến lượt được rút thì hết tiền hoặc sẽ nhận được mấy thông báo ngừng giao dịch”. Anh Tâm cho biết thêm không chỉ có ngày phát lương mà ngày bình thường, mấy trụ ATM của 2 ngân hàng trên cũng thường gặp phải lỗi như vậy. Nhiều công nhân lao động đã phải chờ đợi tới khuya thì máy báo hết tiền, có người chờ mãi không được đành chấp nhận ra tiệm vàng thế chấp thẻ, ứng trước với mức phí 5.000 đồng/1 triệu đồng.

Tại TP.Dĩ An, một số trụ ATM tại các khu công nghiệp cũng diễn ra tình cảnh tương tự. Anh Bùi Đức Thương, Công ty TNHH Framas Việt Nam, cho biết công ty có hàng ngàn công nhân nhận lương qua máy ATM của Ngân hàng Đông Á (Dong A bank). Vì đặc thù công ty đông người, nên Ban giám đốc công ty đã quyết định phát lương kéo dài 5 ngày nhưng vẫn không tránh khỏi được tình trạng quá tải do hệ thống các trụ ATM của Dong A bank ở khu vực này thường xuyên bị lỗi. Tình trạng này đã diễn ra được vài năm nay nhưng chưa được khắc phục. “Vào ngày phát lương vài ngàn công nhân đổ ra xếp hàng rồng rắn quanh các máy ATM. Nhiều công nhân phải chạy tìm trụ ATM của ngân hàng khác để rút, có bạn tiếc tiền phí cao hơn khi rút cây ATM của ngân hàng khác nên chạy xe lòng vòng mãi để kiếm trụ ATM của Dong A bank rất khổ sở”, anh Thương bức xúc cho biết.

Tình trạng cán cân phát hành, thanh toán, sử dụng thẻ đang mất cân đối khi một số ngân hàng càng nỗ lực đầu tư máy atm thì càng bị khách hàng than phiền. trong khi đó, một số ngân hàng chỉ tập trung vào phát hành thẻ mà chưa đầu tư nhiều hệ thống máy atm thì lại ít bị ảnh hưởng.

Còn tại TP.Thủ Dầu Một, ghi nhận của chúng tôi vào chiều các ngày 10 và 11, hầu hết ở các trụ ATM mặc dù không quá đông nhưng tình trạng xếp hàng chờ đợi vẫn diễn ra tại các máy ATM của Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương tại đại lộ Bình Dương. Tại thời điểm chiều tối 10-11, có 6 trụ đang hoạt động nhưng chỉ có 5 trụ ATM có thể rút được tiền, trụ còn lại có dòng chữ “Xin lỗi, giao dịch bị hủy bỏ do lỗi thiết bị”. Chị Lê Thị Vân, Công ty TNHH Công nghệ tin học Hải Dương, chia sẻ: “Công ty phát lương vào ngày 10 hàng tháng nhưng tôi thường phải né ngày này. Sợ cảnh chen chúc, chờ đợi nên tôi phải rút sau ngày lương cả chục ngày, dù có lúc đến kỳ lãnh lương cũng đã cạn tiền trong túi”.

Theo ghi nhận, tình trạng đứng “rồng rắn” chờ rút tiền không chỉ diễn ra tại các máy ATM của các ngân hàng nêu trên mà đó là tình trạng chung tại các máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Vietinbank… ở các KCN, cũng như khu vực đông dân cư như TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một.

Đâu là nguyên nhân?

Trước thực trạng vừa nêu, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Dong A bank - Chi nhánh Thuận An để có phản hồi nhưng điện thoại không liên lạc được. Lý giải về tình trạng máy hết tiền, trục trặc lỗi kỹ thuật, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Dương phân tích, thông thường một máy ATM có nhiều giao dịch sẽ hết tiền trong vòng 1-2 ngày. Để bảo đảm lượng tiền mặt cho khách hàng rút tiền tại các máy ATM, BIDV chuẩn bị nhiều giải pháp, luôn theo dõi hệ thống báo tự động tồn quỹ tiền mặt tại máy để chủ động tiếp quỹ, bảo đảm duy trì lượng tiền thường xuyên trong máy. Đồng thời, sẵn sàng 2 phương án tiếp quỹ theo kế hoạch thường xuyên và đột xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng sử dụng thẻ, đặc biệt vào các ngày cao điểm. Thế nhưng, vào cao điểm nhận lương nhu cầu rút tiền ATM tăng mạnh, đặc biệt là máy đặt tại các KCN, nên chỉ trong vòng 1-2 giờ là hết tiền. Do vị trí các máy ATM đặt tại các KCN nằm xa trụ sở ngân hàng nên xe chở tiền và nhân viên chuyên trách phải mất 3-4 giờ làm thủ tục nhận, di chuyển tiền mới kịp tiếp quỹ.

Cũng theo ông Linh, về trục trặc kỹ thuật, khi tần suất giao dịch có thời điểm tăng lên 300 - 400% so với ngày thường sẽ khó tránh khỏi tình trạng nghẽn mạng, chuyển mạch chậm, trục trặc lỗi đường truyền… Tuy nhiên, những trục trặc này luôn được ngân hàng khắc phục với thời gian ngắn nhất. Mới đây, BIDV đã bổ sung thêm 3 máy ATM để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt. Thế nhưng, mọi nỗ lực của ngân hàng không thấm vào đâu so với nhu cầu rút tiền tại các máy ATM. “Với gần 240.000 thẻ của khách hàng BIDV, chỉ cần 20% chủ thẻ cùng đi rút tiền vào giờ cao điểm thì ATM nào cũng có khả năng gặp sự cố”, ông Linh cho biết. Cũng theo ông Trần Ngọc Linh, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng máy ATM trong tình trạng nhanh hết tiền bắt nguồn từ việc rất nhiều chủ thẻ ngân hàng khác đến máy ATM của BIDV để rút tiền. Thống kê cho thấy, trong năm 2019, tỷ trọng thẻ ngân hàng khác rút tại máy ATM của BIDV chiếm gần 50% so với số lượng thẻ BIDV đã phát hành. Điều này gây áp lực rất lớn cho hệ thống ATM của BIDV trong nhiều thời điểm.

Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương cho hay, tình trạng trục trặc tại một số máy ATM ở một vài thời điiểm là khó tránh khi lượng giao dịch tăng đột biến. Về tình trạng xếp hàng dài chờ rút tiền, máy báo hết tiền, nhất là tại các KCN vào những ngày cao điểm từ cuối tháng đến 15 hàng tháng, dù đã cố gắng nhiều nhưng chưa có cách giải quyết dứt điểm. “Mặc dù đơn vị đã phân công, bố trí nhân sự tiếp quỹ đầy đủ, nâng tối đa cơ cấu tiền mệnh giá lớn để đáp ứng nhanh nhu cầu khách hàng nhưng với số lượng trên 500.000 khách hàng của Vietcombank, chưa kể khách hàng của hệ thống khác nên chu kỳ tiếp quỹ rất ngắn, có những máy phải tiếp quỹ 2 lần/ngày, khiến áp lực điều chuyển tiền rất căng thẳng”, bà Hương cho biết. Theo số liệu thống kê, trong năm 2019, với tỷ trọng 40% thẻ không thuộc hệ khách hàng Vietcombank rút tiền. Con số 10 tháng năm 2020 đang có xu hướng tăng cao hơn. (Còn tiếp)

 THANH HỒNG - HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1186
Quay lên trên