MERS-Cov có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam qua khách du lịch

Cập nhật: 23-06-2014 | 00:00:00

  Tại bệnh viện Quốc vương Fahad ở Hofuf, Arab Saudi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông (MERS-Cov) diễn biến phức tạp và liên tục ghi nhận các trường hợp mắc mới, tử vong. Chính vì vậy, bệnh có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam qua khách du lịch và khách nhập cảnh đến từ khu vực Trung Đông.

Thông tin này được Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu công bố tại buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh ngày 23-6.

Cục trưởng Trần Đắc Phu khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) và chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông (MERS-Cov).

Riêng đối với cúm A(H5N1), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hai trường hợp tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Các trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc, giết mổ gia cầm bị bệnh.

Cục trưởng cho biết thêm các bệnh truyền nhiễm khác đều có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2013 và không ghi nhận ổ dịch tập trung.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 31.139 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; trong đó có hai trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu.

So với cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 7,6% và số tử vong giảm chín trường hợp. Tuýp virus gây bệnh lưu hành là EV 71 (57,6%) và các EV khác.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm nay, sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao tại nhiều quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận được 11.148 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 42 tỉnh, thành phố. Trong số đó, có bảy trường hợp tử vong, cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh (ba trường hợp), Bình Dương (một trường hợp), Cà Mau (một trường hợp), Bình Phước (một trường hợp) và Phú Yên (một trường hợp). So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc giảm 45,2%.

Về bệnh viêm não virus, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 319 trường hợp mắc, trong đó bốn trường hợp tử vong. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản trong số viêm não virus là khoảng 9%, so với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 20,1%.

Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh sửa đổi Hướng dẫn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết và bệnh liên cầu lợn ở người; hoàn chỉnh kế hoạch phòng chống dịch; đẩy mạnh và tăng tỷ lệ tiêm vắcxin trong dự án tiêm chủng mở rộng.

Ngành y tế đồng thời chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm vắcxin sởi-Rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi (dự kiến vào tháng Chín năm nay); triển khai phần mềm giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; triển khai đề tài nghiên cứu hiệu quả sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi Sumilarv tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố trọng điểm; thường xuyên theo dõi, rà soát các trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đủ vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tăng cường công tác tuyên truyền về những khuyến cáo của Bộ Y tế đối với các dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, truyền thông phải đi trước một bước, trong đó đặc biệt chú trọng vào truyền thông dự phòng giúp người dân biết cách và tự mình phòng các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, truyền thông phải chủ động cung cấp thông tin về các dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo mạng, truyền hình) hoặc tại các buổi tọa đàm.

Bộ trưởng yêu cầu đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông (MERS-CoV) cần triển khai áp dụng tờ khai y tế tại ba sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng đối với tất các hành khách nhập cảnh Việt Nam đi trên các chuyến bay xuất phát từ chín quốc gia vùng Trung Đông.

Đối với các dịch bệnh khác cần tăng cường tỷ lệ tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tập trung vào việc phân tuyến, cách ly, đặc biệt là phòng chống nhiễm trùng tại bệnh viện./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=448
Quay lên trên