Năm 2023, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận 1.555.593 đơn vị máu, đạt 110% kế hoạch đề ra. Trong đó, 99% đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương trên 1,5% dân số hiến máu; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt trên 60%; tỷ lệ đơn vị máu có thể tích 350ml trở lên đạt 61%.
Tình nguyện viên hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trong Lễ hội Xuân hồng lần thứ XVI - năm 2023.
Đây là những con số được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Vận động hiến máu tình nguyện năm 2023 do Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tổ chức sáng 12/1, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, nhiều chiến dịch vận động hiến máu lớn đã được tổ chức có hiệu quả, thiết thực, thu hút hàng triệu lượt người tham gia, mang lại cảm xúc tích cực trong xã hội, lan tỏa trong cộng đồng. Toàn quốc đã vận động và tiếp nhận trên 1,5 triệu đơn vị máu, cơ bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh trong cả nước.
Nhiều hoạt động đã, đang được tổ chức, tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong phong trào hiến máu tình nguyện như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết; "Lễ hội Xuân hồng" đã vận động và tiếp nhận được 294.138 đơn vị máu; Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” và “Hành trình Đỏ” đã vận động và tiếp nhận gần 548.381 đơn vị máu và nhiều sự kiện hiến máu lớn khác như: Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), Ngày Quốc tế Người hiến máu (14/6).
Cho đến nay, cả nước đã thành lập được 4.530 câu lạc bộ với 153.170 thành viên tham gia như: Câu lạc bộ hiến máu dự bị, Câu lạc bộ 25, Câu lạc bộ máu hiếm, Câu lạc gia đình hiến máu, Câu lạc bộ vận động hiến máu tình nguyện... Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm và triển khai có hiệu quả.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được đẩy mạnh sâu rộng qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, quản lý, chăm sóc người hiến máu tình nguyện tiếp tục mở rộng. Đối tượng tham gia hiến máu tình nguyện là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động, các tăng, ni, phật tử, chức sắc tôn giáo, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức, quan niệm của người dân về hiến máu tình nguyện.
Ban Chỉ đạo các cấp đã tổ chức được 5.598 buổi tuyên truyền, vận động về hiến máu tình nguyện với trên 1,4 triệu lượt người tham dự, đã có 13.510 cán bộ, hội viên và tình nguyện viên Chữ thập đỏ được đào tạo, tập huấn về công tác vận động, huy động nguồn lực hiến máu nhân đạo.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, thành phố Cần Thơ,... đã chia sẻ những cách thức tuyên truyền, vận động, tổ chức hoạt động nhằm thu hút nhiều người tham gia hiến máu tại địa phương.
Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện đã tặng bằng khen cho 45 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào vận động hiến máu tình nguyện năm 2023.
Hội nghị cũng diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người giai đoạn 2024-2027. Hoạt động này sẽ tăng cường phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng và nguồn hiến tặng mô, tạng từ đó góp phần tạo nên dòng chảy văn hóa tận hiến cao đẹp trong mỗi người dân Việt Nam.
Theo TTXVN