Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Worcester, Massachusetts, Mỹ.
Khi các triệu chứng vẫn tiếp tục kéo dài sau khi mắc COVID-19, chị Valerie Murray, 38 tuổi, người Mỹ, thực sự cảm thấy bế tắc.
Chị biết bản thân đang mắc hội chứng COVID kéo dài nhưng các bác sỹ chỉ có thể giải đáp phần nào những thắc mắc của chị đối với vấn đề này.
Thông thường, các bác sỹ chỉ nói các triệu chứng của chị liên quan đến lo lắng. Trong khi đó, bà mẹ 2 con này gần như gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau, như ho dai dẳng, tim đập nhanh khiến giấc ngủ rối loạn, hay cơ thể dễ bị mệt mỏi quá sức.
Sau khi thăm khám ở nhiều nơi, cuối cùng Murray cũng tìm được lời giải khi gặp các bác sỹ tại Viện Tim Montreal.
Theo các bác sỹ tại đây, các biểu hiện của Murray là triệu chứng của căn bệnh viêm cơ não tủy. Căn bệnh này được biết đến như một hội chứng gây mệt mỏi mãn tính, song còn chưa được quan tâm và tìm hiểu sâu.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy gần 50% những người mắc hội chứng COVID kéo dài hội đủ các triệu chứng để chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính/viêm cơ não tủy (ME/CFS).
Đây là căn bệnh mạn tính, phức tạp, ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau, có thể tấn công hệ thống cơ bắp, thần kinh và miễn dịch. Người bệnh có thể mắc phải hội chứng này do trước đó đã nhiễm virus.
Các triệu chứng gặp phải bao gồm mệt mỏi, sương mù não và rối loạn cảm giác. Quan trọng hơn, các triệu chứng cũng không thuyên giảm dù người bệnh nỗ lực sống chung.
Chuyên gia Alain Moreau của Đại học Montreal là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Canada về bệnh viêm cơ não tủy. Kể từ năm 2019, ông Moreau đã dẫn dắt một mạng lưới nghiên cứu quốc gia về viêm cơ não tủy - căn bệnh mà ông từng mô tả là “bí ẩn y học của thế kỷ 21."
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nghiên cứu của ông Moreau được mở rộng đối với các bệnh nhân mắc hội chứng COVID kéo dài khi ông tập trung tìm hiểu về mối liên quan giữa hai căn bệnh này.
Theo ước tính của các chuyên gia, khoảng 10-50% số người mắc COVID-19 có thể mắc phải hội chứng COVID kéo dài, trong đó gần một nửa có đủ các triệu chứng mắc viêm cơ não tủy và nữ giới dường như bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Ông Moreau tin rằng đại dịch là cơ hội để tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh viêm cơ não tủy, theo đó, các nhà khoa học có thể phát triển các phương pháp chữa trị căn bệnh này.
Trong khi đó, ông Simon Décary, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sherbrooke, khẳng định COVID kéo dài và viêm cơ não tủy có mối liên hệ vì sự tương đồng của các triệu chứng lâm sàng, song chưa thể khẳng định hai căn bệnh có tiến triển sinh học như nhau hay không.
Trước đây, Murray chưa bao giờ nghe nói về bệnh viêm cơ não tủy. Sau khi được chẩn đoán, chị đã kết nối với các bệnh nhân ME/CFS trên mạng. Murray hoàn toàn không thể biết rõ tương lai của mình sẽ như thế nào.
Nếu trước đây, chị vẫn tự mình di chuyển máy cắt cỏ, thì nay, chị phải sử dụng xe lăn để đi từ phòng này sang phòng khác trong nhà. Thậm chí, chị còn không chắc mình sẽ lại hồi phục như trước.
Do cho rằng cần biết sớm các nguy cơ nên Murray đang tham gia các nghiên cứu của chuyên gia Moreau để nghiên cứu mối liên quan giữa COVID kéo dài và ME/CFS./.
Theo TTXVN