Mùa mưa, chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 15-05-2014 | 00:00:00

 Cùng với bệnh tay chân miệng, mùa mưa là thời điểm bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng. Người dân cần chủ động phòng chống để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Triệu chứng bệnh

SXH được gây ra do vi rút Dengue (nên được gọi là SXH Dengue). Vi rút Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau, là Den-1, Den-2, Den-3 và Den- 4. SXH Dengue là bệnh do vi rút lây truyền qua muỗi và thường gặp nhất ở người. Do đó, bệnh có thể phát triển thành dịch và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc.  

 Những nơi ao tù nước đọng là điều kiện để muỗi sinh sống và phát triển. Trong ảnh: Cán bộ y tế và các ngành tham gia giám sát trong một chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh

Thời kỳ ủ bệnh SXH là từ 3 - 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày. Triệu chứng bệnh thường xuất hiện đột ngột kèm sốt cao, người mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân) và có thể kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng là 2 triệu chứng nổi bật. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8, người bệnh bắt đầu hạ sốt và thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt, thường xuất hiện ban ở thân mình và lan rộng đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp, bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.

Hai biểu hiện nổi bật của bệnh SXH Dengue là sốt và xuất huyết. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể có biểu hiện trụy tim mạch. Bệnh diễn tiến cấp tính, rất dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Chủ động phòng chống

Theo bác sĩ (BS) Quách Hoàng Mỹ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh năm 2013 so với năm 2012 đã giảm nhiều nhưng tăng nhiều vào khoảng tháng 11 và 12-2013. Thế nên, khi bước vào những tháng đầu năm 2014, bệnh SXH có xu hướng tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2013. Quý I-2014, bệnh SXH tăng so với cùng kỳ khoảng 50% và bắt đầu giảm dần vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, đây là thời điểm đầu mùa mưa nên khả năng bệnh SXH tăng lên là rất có thể. “Chúng tôi rất lo vì thường sau 1 năm giảm thì khả năng năm sau sẽ tăng cao. Những nơi nước tù đọng là điều kiện cho muỗi sinh sống, phát triển, kéo theo đó là ca bệnh cũng sẽ tăng lên, bởi muỗi chính là trung gian truyền bệnh SXH từ người này sang người khác. Vì thế, việc tuyên truyền trong nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống bệnh SXH”, BS Mỹ nói.

Theo khuyến cáo của BS Mỹ, để phòng bệnh SXH, người dân cần tăng cường vệ sinh môi trường nơi sinh sống sạch sẽ, thông thoáng và không nên treo nhiều quần áo trong nhà. Người dân nên ngủ mùng cả đêm lẫn ngày để tránh bị muỗi đốt, vì muỗi “đi ăn” vào tất cả các thời điểm trong ngày. Ngoài ra, để tránh bị muỗi đốt, nên mặc áo dài tay, dùng thuốc bôi ngoài da, hóa chất và dùng vợt điện để diệt muỗi. Thường xuyên diệt loăng quăng bằng cách thả cá bảy màu, cá rô, lia thia vào các bể chứa nước của gia đình; giải phóng hồ nước đọng quanh nhà, nơi cư trú. Thực hiện tốt nguyên tắc “3 không”: không cho muỗi ở, không cho muỗi đốt, không cho muỗi đẻ - là biện pháp phòng bệnh SXH hiệu quả nhất.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh mới đây, BS Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cũng nhận định, năm 2014 khả năng số ca mắc SXH Dengue sẽ gia tăng trong toàn khu vực phía Nam. Để chủ động phòng chống SXH, BS Huỳnh Thanh Hà đề nghị các địa phương căn cứ vào kế hoạch phòng chống dịch chung và kế hoạch phòng chống dịch SXH, tay chân miệng của tỉnh, xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai tốt hệ thống giám sát và truyền thông. BS Hà đánh giá: “Năm 2014 là năm thứ 3 tỉnh Bình Dương tổ chức chiến dịch truyền thông tổng vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh SXH, tay chân miệng. Hiệu quả của chiến dịch đã tác động rất rõ vào ý thức và làm thay đổi hành vi của người dân, huy động sự tham gia ủng hộ của các cấp chính quyền, tình hình bệnh SXH, tay chân miệng được ngăn chặn kịp thời. Vì thế, các địa phương cần đánh giá rút kinh nghiệm của những năm trước để xây dựng kế hoạch năm nay và triển khai thực hiện hiệu quả chiến dịch”.

 Theo dự kiến của ngành y tế, chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống bệnh SXH và bệnh tay chân miệng sẽ được triển khai đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh. Chiến dịch sẽ diễn ra trong 2 đợt, mỗi đợt gồm 2 vòng. Đợt 1, sẽ tổ chức ra quân vòng 1 vào ngày 7 và 8-6; vòng 2 tổ chức vào ngày 14 và 15-6. Đợt 2 ra quân vòng 1 vào ngày 9 và 10-8; vòng 2 vào ngày 16 và 17-8.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=472
Quay lên trên