Ngân vang tiếng đàn T’rưng

Cập nhật: 17-04-2014 | 00:00:00

Lần theo tiếng nhạc, tôi đến nhà cô Huỳnh Thị Ích (SN 1955), nghệ sĩ đờn T’rưng điêu luyện, nổi tiếng khắp tỉnh. Với tiếng đàn T’rưng hòa với giọng hát ngọt ngào, cô Ích đã chinh phục rất nhiều giám khảo khó tính tại các mùa giải, hội thi trong và ngoài tỉnh.

Xuất thân trong gia đình không ai theo nghệ thuật, cô đến với nghiệp cầm ca từ sự tình cờ. Lúc nhỏ, cô được xem Đoàn Văn công giải phóng tỉnh biểu diễn. Tiếng hát, lời ca, điệu múa uyển chuyển, cộng với tinh thần phục vụ hết mình của các cô chú, anh chị trong đoàn đã làm người con gái đất Thủ “say đắm”. Cô quyết xin gia đình đi theo con đường nghệ thuật dù lắm gian truân đối với một cô gái chưa đầy 13 tuổi.

Ban đầu, nghệ sĩ Thúy Nga, nghệ danh của cô Huỳnh Thị Ích, được phân công vào đội múa của đoàn. Cô vừa múa phụ họa, vừa hát bè. Năm 1973, quý mến cô bé nhỏ nhưng “máu” văn nghệ, nghệ sĩ Ngô Minh (diễn viên trong Đoàn Văn công Quân khu 7) đã truyền kỹ năng chơi đàn T’rưng cho cô. Từ đó, chiếc đàn T’rưng theo cô trên khắp các con đường đem niềm vui đến cho nhân dân, anh em chiến sĩ. “Khi những âm thanh rộn rã của đàn T’rưng cất lên, mọi mệt nhọc của đời thường tan biến, nhường chỗ cho đắm say tình yêu người, yêu cuộc sống, yêu cách mạng…”, ông Nguyễn Thanh Chương, người cùng tham gia đoàn văn công kháng chiến, khen tiếng đàn của cô Thúy Nga.

Hòa bình lập lại, cô tiếp tục công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh. Chiếc đàn cũng theo cô trở về địa phương. Chiếc đàn như người bạn tri kỷ được cô đặt trang trọng một góc trong căn phòng khách. Những ống nứa nhỏ, to, ngắn, dài kết với nhau bằng hai sợi dây rừng đặt trên chiếc khung được làm từ cây dại. Mở đầu câu chuyện là một khúc nhạc được nghệ sĩ tấu lên cùng chiếc đàn T’rưng. Tiếng đàn T’rưng là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật, ví như nước uống, cơm ăn, áo mặc của cô. “Đàn T’rưng có âm vực rộng. Kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ này khá đơn giản, dùng dùi (bằng tre hoặc gỗ) gõ vào ống để tạo ra âm thanh; có thể đánh ngón vê, ngón á giống như chơi đàn tam thập lục, gõ nhanh chậm đều tốt; có thể đánh chồng âm hoặc đồng âm nhưng 2 nốt cách nhau 1 quãng tám”, nghệ sĩ chia sẻ.

Với niềm đam mê văn nghệ, cô Ích tham gia tất cả các hội thi, hội diễn của ấp, xã, phường, TP.Thủ Dầu Một và của tỉnh. Đối với cô, tham dự biểu diễn không phải để giành thành tích mà xuất phát từ tình yêu đàn. Cô mong muốn được giới thiệu tiếng đàn đến với mọi người, nhất là thế hệ trẻ để nhạc cụ dân tộc mãi được lưu giữ.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=313
Quay lên trên