Tăng cường khai thác thị trường trong nước sẽ là hướng đi để các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ chú trọng, mở ra nhiều cơ hội trong kết nối cung - cầu, phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp gỗ đầu tư máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước
Trở về “sân nhà”
Với dân số gần 100 triệu người, quy mô thị trường của Việt Nam tương đương với 5 - 7 nước châu Âu gộp lại. Kinh tế Việt Nam đang duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, kéo theo đó là sự phát triển của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ, nhu cầu tiêu dùng nội thất tăng cao, là điều kiện để ngành gỗ tìm chỗ đứng trên “sân nhà”. Nhưng thực tế, không ít DN chế biến gỗ, sản xuất nội thất của Việt Nam chỉ tập trung cho xuất khẩu mà bỏ ngỏ lượng lớn khách hàng ngay trên lãnh địa của mình.
Bà Thái Lê Hương, quản lý marketing Công ty Cozy Living thông tin mức độ tăng trưởng của mặt hàng nội thất đang đạt khoảng 30%/năm. Nhu cầu đối với nội thất căn hộ tại Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm gần đây do đa phần gia đình trẻ tại các đô thị lớn đều chọn ở trong các chung cư. Theo tìm hiểu của phóng viên, đa phần những người trẻ cho rằng kinh tế phát triển, thu nhập được cải thiện, người Việt Nam đang bắt đầu chú trọng hơn đến việc đầu tư cho tổ ấm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho nội thất để có không gian sống hoàn hảo nhất. Hiện các căn hộ có diện tích 70 - 80m2, mỗi gia đình có thể chi tới 300 - 400 triệu đồng cho khâu hoàn thiện nội thất.
Theo ông Tô Xuân Phúc, cố vấn cao cấp Tổ chức Forest Trends, kinh nghiệm từ ngành chế biến gỗ của Thái Lan cho thấy, bên cạnh thế mạnh là ổn định và tạo việc làm, sản phẩm bán tại thị trường nội địa đem lại lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị so với các sản phẩm xuất khẩu. Do đó, chiến lược phát triển ngành gỗ không chỉ chú trọng vào mở rộng xuất khẩu, mà cần có các cơ chế, chính sách nhằm phát triển bền vững thị trường nội địa. Tuy nhiên để thâm nhập thị trường nội địa, các DN cần thay đổi toàn bộ kế hoạch kinh doanh từ bán hàng, marketing, sản xuất đến tài chính, xu hướng cung - cầu và mối tương quan với xuất khẩu…
Nắm bắt xu hướng
Trên thực tế, khác với các thị trường xuất khẩu thường chọn sản phẩm sản xuất hàng loạt, người tiêu dùng Việt Nam ưa thích sản phẩm gỗ có phong cách, thiết kế riêng và đó là thế mạnh của các DN chế biến vừa và nhỏ hiện nay. Vì thế, việc chuyển hướng sang thị trường nội địa cần sự đầu tư nghiên cứu, xác định dòng sản phẩm cũng như chiến lược xây dựng thương hiệu.
Đồng quan điểm về việc xác lập vị thế trên sân nhà của các DN ngành gỗ, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho rằng, các DN hãy bắt đầu từ các sản phẩm đơn giản trước, sau đó đi vào các sản phẩm phức tạp. Việc xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành chế biến gỗ. Dòng sản phẩm chiến lược là các sản phẩm có nhu cầu lớn, có độ ổn định cao, liên tục mở rộng. Không chỉ DN, phía các hiệp hội cũng xác định vai trò quan trọng của mình trong việc trở thành cầu nối tạo sân chơi cho các DN ngành gỗ, nội thất cập nhật xu hướng thị trường trong nước, cũng như tạo điều kiện để người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận, sử dụng nhiều sản phẩm nội thất chất lượng.
Ông Phan Thế Hải, Gám đốc Công ty Triệu Phú Lộc (TX.Tân Uyên), cho biết lâu nay công ty có thị trường chính là xuất khẩu song vô tình thấy rất nhiều sản phẩm của mình quay ngược lại thị trường trong nước bằng con đường nhập khẩu với giá thành đội lên rất nhiều lần. Nghịch lý trên khiến ông quyết đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng cao cấp dành cho thị trường nội địa. Theo ông Hải, cách đây 10 năm, nhu cầu thị trường chưa cao lắm nhưng nay thì đã khác. Người Việt bắt đầu tự hào với sản phẩm nội thất Việt. Tính chuyên nghiệp của DN cũng đã tăng lên nên dễ dàng chinh phục thị trường.
Sản phẩm xuất khẩu rồi quay ngược vào thị trường trong nước cũng diễn ra ở nhiều DN khác. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty Ván sàn Sao Nam (KCN Nam Tân Uyên) tiết lộ, có lần chính bà đã phải lật bề trái của sản phẩm, chỉ vào con dấu của Sao Nam, khách hàng mới tin sản phẩm họ nhập về Việt Nam là hàng Sao Nam sản xuất trong nước. Trải qua hơn 15 năm “chinh chiến” ở thị trường quốc tế, chuyện người dùng Việt Nam nhập hàng đã xuất khẩu khiến bà phải suy nghĩ lại về mặt chiến lược. Bà Loan chia sẻ: “Từ đòi hỏi của thị trường, chúng tôi quyết định sẽ đầu tư thêm để chinh phục thị trường nội địa. Tôi nghĩ, DN xuất khẩu hoàn toàn có cơ hội tại “sân nhà”.
Từ chuyện lội ngược dòng, Sao Nam lần đầu tiên thiết kế, sản xuất một bộ sưu tập riêng cho thị trường Việt Nam. Cùng với sự kiên trì, bà Loan cho rằng, cách tiếp cận khách hàng nội địa cũng sẽ phải hoàn toàn khác, không thể chỉ mở showroom trưng bày như trước mà phải mở rộng các kênh phân phối hiện đại hơn. Cụ thể, với Sao Nam, thương hiệu này chọn cách liên kết với các đơn vị thiết kế nội thất để tiếp cận khách hàng.
Theo Sở Công thương, là tỉnh có số lượng DN gỗ lớn, tiềm lực cao, thời gian qua, Bình Dương cũng đã chú ý đến việc tổ chức các hội chợ máy móc ngành gỗ, gỗ nội thất để đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước, giúp các DN trong nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gặp gỡ, trao đổi, ký kết hợp đồng, cung ứng hàng cho nhau, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Kết quả, có nhiều DN tìm được đối tác để liên kết bán hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Qua các đợt xúc tiến thương mại trong nước, các DN đã ký kết được hợp đồng cung ứng sản phẩm cho nhau, ký kết biên bản ghi nhớ. Bên cạnh đó, các DN cũng học hỏi, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm để từ đó điều chỉnh sản xuất cho phù hợp, tìm thêm thị hiếu khách hàng trong nước.
TIỂU MY