Theo Bộ NN&PTNT, năm 2022, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 17 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,1%, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2023, do ảnh hưởng của xung đột thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao dẫn đến các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam tiếp tục thắt chặt. Do đó, giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,78 tỷ đô la Mỹ, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Những năm qua, tăng trưởng về sản xuất, trong đó có ngành gỗ luôn là một trong những điểm sáng của Bình Dương. Nhưng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) nói chung và ngành gỗ nói riêng.
Bình Dương hiện có hơn 1.000 DN chế biến gỗ, trong đó có khoảng 300 DN chế biến gỗ xuất khẩu. Riêng ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của các DN trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 6,1 tỷ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng 17,6% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, châu Âu, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản. Từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các biến động phức tạp của tình hình chính trị thế giới, dẫn đến khó khăn và gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, giảm đơn hàng, nhiều DN phải giảm quy mô sản xuất, giảm hoạt động. Xuất khẩu gỗ 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bình Dương chỉ đạt 2,7 tỷ đô la Mỹ, giảm 15,3% so với cùng kỳ.
Tuy có nhiều khó khăn, nhưng dự báo triển vọng thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong thời gian tới có tín hiệu phục hồi khi nền kinh tế ở các nước nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng. Để nắm bắt thời cơ, các DN cần tuân thủ các quy định tại các thị trường nhập khẩu; chủ động phát triển các dòng sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng; tích cực triển khai một số giải pháp để mở rộng kết nối thị trường trong và ngoài nước để thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
KHẢI ANH