Ngành gốm nỗ lực vượt khó

Cập nhật: 25-12-2018 | 06:14:34

Năm 2018 là năm thành công của ngành gốm Bình Dương, với mức tăng trưởng 15%. Mặc dù gặp không ít áp lực từ giá nguyên liệu tăng và lương công nhân tăng nhưng các doanh nghiệp gốm tại Bình Dương vẫn hy vọng mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm 2019.

 Sản xuất gốm tại Công ty Phước Dũ Long. Ảnh: PHÙNG HIẾU

 Giữ gìn bản sắc gốm Việt

Việt Nam có 14 làng nghề sản xuất gốm sứ, gồm Thổ Hà, Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng, Đông Triều, Thanh Hà, Phước Tích, Bầu Chúc, Biên Hòa, Tân Phước Khánh, Chánh Nghĩa, Lái Thiêu, Vĩnh Long, Cây Mai. Trong số này Bình Dương có 3 làng nghề là Tân Phước Khánh, Chánh Nghĩa, Lái Thiêu.

Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cho biết tỉnh Bình Dương chỉ có khoảng 30 công ty gốm sứ hoạt động quy mô nhưng chiếm đến 70 - 80% giá trị xuất khẩu gốm sứ của cả nước, với doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh đã đầu tư công nghệ mới áp dụng vào sản xuất, tăng cao năng suất lao động để giảm giá thành “đầu vào”. Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long, chia sẻ dù lộ trình tăng lương tối thiểu bắt đầu từ tháng 1-2019 nhưng công ty đã tăng lương cho công nhân từ đầu năm 2018. Do vậy, khi quy định mức lương tối thiểu được nâng lên (bắt đầu từ ngày 1-1-2019), công ty hoàn toàn chủ động trong việc cắt giảm chi phí sản xuất.

Theo ông Tín, Công ty Phước Dũ Long đã xem xét lại các khâu sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu, giảm tối đa chi phí đầu vào của sản phẩm. Trong điều kiện giá nguyên vật liệu cho ngành gốm sứ tăng nếu doanh nghiệp tăng giá gốm sứ xuất khẩu sẽ làm các đối tác không hài lòng. Các doanh nghiệp nên xem đây là cơ hội để tái cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng để bảo vệ uy tín của gốm sứ Bình Dương.

Theo các nghệ nhân gắn bó với nghề gốm trong tỉnh, điều đáng mừng là các doanh nghiệp gốm sứ của Bình Dương vẫn nỗ lực gìn giữ tinh hoa gốm sứ Việt.

Kỳ vọng tiếp tục một năm thành công

Các doanh nghiệp gốm sứ của Bình Dương hiện đang chú trọng nhiều hơn vào thị trường nội địa. Những năm gần đây, các công ty tên tuổi như Cường Phát, Minh Long, Minh Phát... liên tục tăng trưởng khá một phần quan trọng cũng nhờ khai thác tốt thị trường trong nước. Chẳng hạn như Minh Long đã hình thành chuỗi cửa hàng, showroom chuyên cung cấp gốm sứ gia dụng trong phạm vị cả nước. Thị trường trong nước đang là kênh phân phối hàng gốm sứ quan trọng. Trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp gốm sứ “quay lại” khai thác thị trường nội địa.

Năm 2018, sản phẩm gốm sứ của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á (chiếm gần 24%), Liên minh châu Âu hơn 16%, Nhật Bản, Mỹ trên 10%. Các sản phẩm gốm sứ xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp trong nước bao gồm gốm sứ trang trí, gốm sứ gia dụng, gốm sứ mỹ nghệ.

Mặc dù vậy, theo ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát, năm 2018 ngành gốm của Bình Dương tăng trưởng khoảng 15% nhưng duy trì mức tăng trưởng này trong năm 2019 cũng là thành công lớn, bởi giá điện, than, gas, lương công nhân tăng... Tuy vậy, hầu hết các doanh nghiệp gốm sứ trong tỉnh đều lường trước khó khăn để kịp thời có các giải pháp khắc phục.

Hiện nay, tại Bình Dương, có những cơ sở, doanh nghiệp ngành gốm sứ đã nhạy bén chuyển hướng sản xuất để nâng cao chất lượng và thẩm mỹ sản phẩm; tích cực hướng đến thị trường cao cấp. Một số công ty gốm sứ không những phục vụ nhu cầu gia dụng mà còn phục vụ trong trang trí nội ngoại thất, kiến trúc, vươn lên trở thành công ty lớn có kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD mỗi năm như Minh Long, Phước Dũ Long, Minh Phát... Các chuyên gia nhận định, trong năm 2019, thị trường Liên minh châu Âu sẽ giảm nhập gốm sứ từ Việt Nam, thị trường Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng nhưng không nhiều, trong khi đó thị trường mới nổi Đông Nam Á đang tăng nhanh nhu cầu nhập khẩu gốm sứ từ Việt Nam. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp gốm sứ cần tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, thay đổi công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh hoạt động marketing, xúc tiến thương mại... giúp tăng tính cạnh tranh sản phẩm gốm sứ trên thị trường trong và ngoài nước.

Chỉ còn vài ngày nữa là bước qua năm 2019, hiện nhiều doanh nghiệp gốm sứ trên địa bàn tỉnh như Phước Dũ Long, Cường Phát... đang tất bật chuẩn bị giao hàng cho đối tác ngay trong tháng 1-2019. Hy vọng “đầu xuôi đuôi lọt”, ngành gốm sứ Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm mới, qua đó góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà, đồng thời góp phần giữ gìn tinh hoa bản sắc gốm Việt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu.

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên