Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”:

Ngày càng lan tỏa

Cập nhật: 15-12-2016 | 10:39:28

Thông qua nhiều đợt tuyên truyền, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người tiêu dùng đã nhìn nhận tích cực, có niềm tin vào chất lượng của hàng Việt. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh (CVĐ) về vấn đề này.

- Xin bà cho biết những thành tựu tỉnh đã đạt được sau các đợt tuyên truyền, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

- Có thể nói, bằng nhiều hình thức tổ chức đa dạng và phong phú, công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tiếp tục hưởng ứng CVĐ đã được MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành và các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh tiến hành đồng bộ và hiệu quả. Từ đó, hàng Việt ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn khi mua sắm, sử dụng; hàng Việt ngày càng có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Qua 7 năm thực hiện CVĐ tại tỉnh, nhìn chung đã đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực, có sự lan tỏa, tác động đến đời sống xã hội, giúp người tiêu dùng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Từ đó làm thay đổi hành vi mua sắm và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam. Bên cạnh đó, chất lượng, mẫu mã hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước cũng như trong tỉnh ngày càng được cải tiến, nâng cao, giá cả phù hợp hơn… Kết quả thực hiện CVĐ đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng nội địa, giảm nhập khẩu hàng hóa, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Phiên chợ vui đưa hàng Việt về khu - cụm công nghiệp được tổ chức tại phường Bình Hòa, TX.Thuận An Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Tuy nhiên, trong công tác tuyên truyền về CVĐ ở một vài cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa thực hiện thường xuyên, liên tục; sự phối hợp giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội với các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thực hiện đôi khi chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, ý thức của một số doanh nghiệp, nhà phân phối còn hạn chế, chủ yếu vì lợi ích riêng nên tạo điều kiện, tiếp tay cho hàng nhái, hàng kém chất lượng tồn tại. Mặt khác, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn nhiều bất cập đã phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

- Để CVĐ thật sự có ý nghĩa và ngày càng lan tỏa, đi vào đời sống của người dân trong giai đoạn tiếp theo, Ban chỉ đạo CVĐ đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ gì, thưa bà?

- Thực hiện Kết luận số 107- KL/TW ngày 10-4-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện CVĐ và Quyết định số 634/QĐ- TTg ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ”. Cùng với đó, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả CVĐ trong thời gian tới, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 99-CTHĐ/ TU ngày 18-6-2015.

Cụ thể, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường trong nước với tên gọi “Tự hào hàng Việt”. Phấn đấu 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến CVĐ; 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh xây dựng kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn; 9/9 huyện, thị, thành phố triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững. Đồng thời, từng bước nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại trên địa bàn tỉnh, trước hết là hiệu quả của công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái phép, bảo vệ người tiêu dùng, người sản xuất và người kinh doanh chân chính.

- Thưa bà, từ những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể nói trên, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, doanh nghiệp cần có những giải pháp như thế nào để tiếp tục nâng cao nhận thức, hành động của người sản xuất và người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam?

- Về phía Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất và người sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Cùng với đó, tăng cường công tác vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm, sử dụng hàng Việt có chất lượng. Vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội mua sắm và sử dụng hàng hóa nội địa khi mua sắm tài sản công và thiết bị, văn phòng phẩm. Đồng thời tập trung triển khai thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ” của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng chương trình “Tự hào hàng Việt”. Từ đó tiếp tục tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người tiêu dùng và đi tới hành động “Sử dụng hàng Việt Nam”, góp phần nâng cao vị thế của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường.

Đối với chính quyền các cấp và sở, ban, ngành của tỉnh, tiến hành xây dựng kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt”. 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững tại các địa phương, khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí từ nguồn xúc tiến thương mại cho các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn để người dân ở đây có điều kiện tiếp cận những hàng hóa, dịch vụ cần thiết, bảo đảm chất lượng và hạn sử dụng. Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh cũng chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái quy định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, quan tâm tốt hơn về chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước vay vốn, cải tiến công nghệ trong hoạt động sản xuất, quảng bá sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, cá nhân thực hiện tốt CVĐ.

Đối với doanh nghiệp, tập trung phát triển thị trường trong nước, coi thị trường trong nước là vấn đề sống còn và quyết định thương hiệu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

- Xin cảm ơn bà!

QUỲNH NHIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên