Nghề chế tác đá của cư dân cổ Bình Dương

Cập nhật: 15-11-2014 | 08:42:09

Khảo cổ học thời tiền - sơ sử Bình Dương đến nay đã phát hiện nhiều di tích quan trọng như Hàng Ông Đại, Hàng Ông Đụng, Cù lao Rùa, Bà Lụa, vịnh Bà Kỳ, Mỹ Lộc thuộc giai đoạn sớm, Dốc Chùa ở giai đoạn phát triển đỉnh cao và muộn hơn cả là di tích Phú Chánh. Hầu hết các di tích này đều đã được khảo sát rất kỹ hoặc đã khai quật nhiều lần. Khối lượng tư liệu thu thập được từ các di tích khảo cổ rất lớn với nhiều loại hình cũng như chất liệu khác nhau. Trong tập hợp tư liệu hiện vật này có hàng ngàn công cụ sản xuất bằng đá với nhiều loại hình khác nhau như rìu vai, rìu tứ giác, đục, khuôn đúc, hàng trăm đồ trang sức bằng đá và có thể cả loại nhạc cụ cổ xưa nhất - đàn đá.

 Hiện vật trong hố khai quật di tích Hàng Ông Đại

Những công xưởng chế tác đá

Di tích Hàng Ông Đại là dạng di tích công xưởng đầu tiên ở khu vực phía Nam mà khi khai quật các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra vết tích về hoạt động sản xuất một cách trực quan và rõ ràng. Trên một không gian liền khoảnh có diện tích trên 10.000m2, nằm bên cạnh dòng sông, với các vết tích của một công xưởng, đã phát hiện vị trí của người thợ chế tác đá ngồi, hướng bay của mảnh tước và hiện trường ngổn ngang các loại hình mảnh tước, cùng với đó là những phế phẩm thải ra trong quá trình chế tác. Đây là những tư liệu quan trọng minh chứng về hoạt động người thợ thủ công tại khu vực này. Trong di tích Hàng Ông Đại, phần lớn công cụ được sản xuất là cuốc, rìu, đục hình tứ giác có kích thước lớn và loại dao hái, dao cắt. Bên tả ngạn sông Bé cũng có một di tích dạng công xưởng giống như Hàng Ông Đại nhưng mức độ tích tụ mảnh tước và phác vật công cụ ở di tích này còn dày hơn, đó là di tích Hàng Ông Đụng. Sản phẩm của hai di tích này có sự khác nhau khá rõ nét. Tại di tích Hàng Ông Đụng không có loại hình dao, các công cụ hình tứ giác được định hình rõ và nhỏ hơn so với Hàng Ông Đại. Với hai di tích công xưởng chế tác đá lớn này thì Bình Dương là nơi có nhiều công xưởng chế tác đá lớn nhất khu vực tiền sử Đông Nam bộ.

Gần đó, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện được di tích Hàng Tam Đẳng có nhiều phiến đá diện ghè bước một từ những phiến hay khối đá gốc có số lượng khá lớn. Với khoảng cách gần nhau của 3 di tích nói trên (khoảng 2km) có thể thấy đây là cụm di tích liên hoàn mang tính tổ chức sản xuất. Nguyên liệu từ khu vực một đem về khu vực hai để hoàn thiện các công đoạn tiếp theo. Thực sự đây là một quy trình có tính tổ chức và quy mô lớn. Rõ ràng, Bình Dương 4.000 năm trước đã có một nghề thủ công chế tác đá có trình độ cao, có tổ chức và sản phẩm họ làm ra có một khối lượng lớn.

Bên cạnh 3 di tích trên, di tích Mỹ Lộc với hàng ngàn công cụ hoàn chỉnh và gần 1.000 tiêu bản bàn mài cũng là một di tích có vai trò khá đặc biệt trong nghề thủ công chế tác đá của cư dân Bình Dương xưa. Trong các di tích khảo cổ khác, những nhà khảo cổ cũng thu được một số lượng bàn mài lớn, như Dốc Chùa 362 tiêu bản, Cù lao Rùa 468 tiêu bản. Việc sử dụng bàn mài trong các di tích cư trú thường để mài các công cụ hoặc tái chế các công cụ bị hư hỏng trong quá trình sử dụng. Cũng có thể các công cụ được sản xuất trong các công xưởng sau đó chuyển giao về những nơi có yêu cầu sử dụng và họ phải tự hoàn thiện theo yêu cầu của mình khi sử dụng các công cụ đó.

Kỹ thuật chế tác đá

Nghề chế tác đá còn được biểu hiện qua các công đoạn của quy trình chế tác, bắt đầu từ việc chọn đá nguyên liệu để phù hợp với những loại công cụ theo nhu cầu sử dụng, như việc chế tác công cụ sản xuất thì dùng loại đá cứng dasit, andesit… đồ trang sức thì dùng đá phiến, bàn mài lõi thì dùng đá cát kết, bàn mài trau thì dùng loại sa thạch mịn, còn các khuôn đúc thì dùng loại sa thạch đặc biệt, cứng chắc, có độ mịn cao và chịu được nhiệt độ cao. Có thể nói cư dân cổ Bình Dương thời bấy giờ đã có kinh nghiệm phân biệt các loại nham thạch, đã biết chọn loại đá tương thích với yêu cầu chế tác từng loại công cụ sản xuất hoặc chế biến gia công. Bên cạnh đó, việc áp dụng kỹ thuật chế tác cũng tương thích với từng loại sản phẩm, các kỹ thuật như kỹ thuật ghè đẽo, cưa, đục và khoan tách lõi đã được minh chứng rất rõ qua hàng vạn công cụ đá có vai và đồ trang sức bằng đá được phát hiện.

 Bàn mài trong di tích khảo cổ học Dốc Chùa

Các công cụ đá của cư dân Bình Dương xưa chỉ chú trọng mài ở phần rìa lưỡi, còn các vị trí khác trên thân ít khi được chú ý, nhất là vùng hai cạnh hông. Hình như ở đây người ta chú ý nhiều đến nhu cầu sử dụng hơn là quan tâm đến nhu cầu thẩm mỹ của các sản phẩm làm ra. Bên cạnh những công cụ sản xuất còn nhiều vết ghè lồi lõm thì cũng có những công cụ được chăm chút hết sức tỉ mỉ, được tạo hình vai rất chuẩn, dáng cân đối và mang tính thẩm mỹ cao. Điều này chứng tỏ trình độ kỹ thuật của những thợ chế tác đá ở đây đủ sức tạo ra những sản phẩm với độ hoàn hảo cao nhất.

Nghề chế tác đá ở Bình Dương còn phản ánh qua một loại hình sản phẩm mà kỹ thuật chế tác đòi hỏi trình độ rất cao, đó là việc chế tác các khuôn đúc bằng đá. Đây là loại hình sản phẩm bằng đá cao cấp nhất trong sưu tập đồ đá phát hiện được trong các di tích khảo cổ học thời tiền sử Đông Nam bộ. Sản phẩm này ra đời phục vụ cho nhu cầu một nghề thủ công khác, đó là nghề luyện kim. Các loại khuôn đúc cho thấy trình độ chế tác các loại hình này của cộng đồng cư dân cổ Bình Dương đã đạt đến trình độ rất cao và chính xác.

Bình Dương có phải là nơi chế tác đàn đá?

Trong quá trình khai quật di tích Mỹ Lộc, các nhà khảo cổ học đã thu được những thanh đá bị vỡ giống với các thanh đàn đá cùng rất nhiều mảnh tước, phiến tước, đây là những mảnh bị loại ra trong quá trình chế tác đàn đá. Bên cạnh đó còn có một số thanh đá định hình dạng đàn đá bị vỡ. Việc chế tác đàn đá đòi hỏi trình độ rất cao và kỹ thuật phức tạp. Đầu tiên là phải chọn được những loại đá nguyên liệu có thể tạo ra âm thanh khi gõ vào, sau đó là những kỹ thuật ghè đẽo để tạo nên các cung bậc thanh âm. Đây là lần thứ hai các nhà khảo cổ học phát hiện được những thanh đàn đá nằm trong lớp trầm tích qua quá trình khai quật (sau Bình Đa năm 1979). Rất tiếc là việc phát hiện những thanh đàn đá ở đây chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, tính chất di chỉ xưởng chế tác đàn đá chưa được rõ nét và cần phải nghiên cứu thêm.

 Rìu vai trong di tích Cù lao Rùa

Với việc phát hiện những thanh đàn đá cùng với phế phẩm của loại hiện vật này, thì có khả năng Mỹ Lộc là nơi chế tác loại hình nhạc cụ tương đối phổ biến trên địa bàn Đông Nam bộ và Nam Tây nguyên thời tiền - sơ sử. Đàn đá xuất hiện trong đời sống cư dân cổ, đánh dấu một nấc thang phát triển cao hơn về khả năng cảm thụ nghệ thuật của người cổ nơi đây. Phát hiện đàn đá tại Mỹ Lộc góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu về nguồn gốc và kỹ thuật chế tác đàn đá cổ ở Đông Nam bộ.

Với số lượng hiện vật tìm thấy cũng như kỹ thuật chế tác có thể nói rằng, nghề chế tác đá của cư dân thời tiền sơ sử Bình Dương đã vận hành một cách nhịp nhàng, sản phẩm sản xuất ra không chỉ phục vụ cho nhu cầu của một không gian hẹp mà còn cả việc trao đổi sản phẩm với những vùng xa hơn. Nghề chế tác đá đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội không riêng cho Bình Dương mà còn cả khu vực Nam bộ thời tiền - sơ sử.

 BÌNH CÔNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2530
Quay lên trên