Ngôi nhà ấm áp của đôi vợ chồng khiếm thị

Cập nhật: 28-11-2016 | 16:25:49

(BDO) Câu chuyện tình tôi kỳ này xin được viết về một cặp đôi ở Tỉnh hội người mù. Bởi, người sáng mắt, xây dựng gia đình đầm ấm đã khó, đã chông chênh, vậy mà với họ: Vợ chồng em mù nhưng trời thương, cho mình đứa con trai không mù lòa. Phải làm việc cật lực để sống, để xây cho con một căn nhà tràn ngập ánh sáng và niềm vui…”.

Hồ Thị Ngọc Hương, nhân viên mát-xa của Hội người mù tỉnh Bình Dương âu yếm ôm đứa con trai lên 8 vào lòng. Cạnh đó là Nguyễn Hoài Phong, chồng của Hương cũng đang ngồi chờ đến ca của mình ở phòng mát-xa nam. Ngày cuối tuần, 2 vợ chồng đưa con đến hội cùng chơi tha thẩn với với những đứa trẻ là con của các hội viên mù ở đây. Những đứa bé trai bé gái đều xinh xắn, dễ thương.

Hoài Phong kể, anh sinh năm 1978, ở Phú Giáo, Bình Dương. Bị mù mắt từ khi 4-5 tuổi do một cơn sốt phát ban. Lớn lên trong mặc cảm, âu lo, anh không biết làm gì để kiếm sống. Năm 2004, anh được giới thiệu đi học kỹ thuật mát-xa tại Hội người mù tỉnh Đồng Nai. Anh gặp Ngọc Hương ở đây khi chị đã là một nhân viên mát-xa thành thạo. Gặp nhau và cùng cảnh ngộ, họ cảm thông với nhau hơn. Thế rồi một ngày Phong cảm nhận như đã gặp một nửa của đời mình, anh quyết định hẹn hò để “hai quê làm một cảnh”. Năm 2006 anh chị kết hôn và năm 2007, bé Nguyễn Minh Thiện bụ bẫm, sáng sủa ra đời trong niềm vui của ba mẹ, nội ngoại…

Có con rồi 2 vợ chồng vẫn ở nhà trọ. Căn nhà hơn chục mét vuông sẽ không sao với 2 vợ chồng mù đóng cửa đi làm mát-xa suốt ngày nhưng Ngọc Hương rất lo cho con trai. Chị sợ con mình sẽ bị bệnh, bị sốt phát ban trong môi trường ẩm thấp, kém vệ sinh. Nỗi lo con cũng bị bệnh, bị mù lòa như mình hàng đêm ám ảnh chị. Có khi bàng hoàng thức dậy trong đêm, Ngọc Hương vội vàng đưa tay sờ khắp người con coi có bị nóng sốt không.

Thỉnh thoảng ban ngày lại “kiểm tra” con nhìn thấy cái gì, màu gì nói cho mẹ nghe… Với vợ chồng Phong- Hương, đứa con là tài sản vô giá, là nguồn ánh sáng của họ.

Mỗi ca mát- xa 60 phút, nhân viên được chia khoảng 20.000 đồng/ vé. Cộng thêm tiền khách “bo” tùy theo ngày ít hay nhiều khách. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng mù khoảng gần 6 triệu đồng/ tháng. Ăn uống có nhà ăn tập thể với nhiều người hảo tâm đến tặng gạo, rau nên nhân viên ở đây chỉ đóng 5.000 đồng tiền chợ/ ngày. Khéo léo chi tiêu, tiện tặn, Ngọc Hương dành tiền tiết kiệm để mua đất. Miếng đất nhỏ giá 200 triệu đồng ở phường Phú Lợi, TP.TDM với nhiều người là bình thường nhưng với vợ chồng Phong- Hương là cả một trời ước mơ và thành quả của gần chục năm dành dụm. Mừng hơn khi được xét vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội, họ xây được căn nhà cấp 4. Ngày dọn về nhà mới, 2 vợ chồng mừng rơi nước mắt vì giấc mơ xây cho con căn nhà đã thành hiện thực.

“Giờ thì em làm nuôi cả nhà, lo cho con ăn học, anh Phong làm trả tiền vay ngân hàng. Mong sao mình được sức khỏe, chịu khó làm việc thì chuyện gì cũng vượt qua”- Ngọc Hương tâm sự chân thành.

Nói về nghị lực của đôi vợ chồng này, chị Huỳnh Thị Khuyên, Phó Chủ tịch Hội người mù tỉnh hết lời khen rằng cả hai đều chịu thương, chịu khó, biết làm lụng vun vén xây dựng gia đình. Những người bạn cùng tổ mát-xa của Hương cho biết, những lúc được nghỉ lễ, nghỉ tết, Ngọc Hương còn lấy vé số đi bán. Mùa tết, mọi người nghỉ làm, Hương đến đại lý lấy vé bán cho đến đêm giao thừa và mấy ngày đầu năm, khi cơ sở mở cửa lại đến làm.

Hỏi vợ chồng họ có cảm thấy khó khăn, vất vả trong cuộc mưu sinh, Phong cười hiền: “Em chỉ sợ đoạn đường từ nhà đến hội vì ngày càng nhiều xe cộ chứ chẳng ngại điều gì”.

Và hàng ngày, có 2 vợ chồng khiếm thị dìu dắt nhau lần mò qua các ngả ba, ngả tư dù mưa hay nắng để đến nơi làm việc, vun đắp hạnh phúc cho mình.

Quỳnh Như

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1078
Quay lên trên