"Người con của rừng tràm" do Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An dàn dựng mới hoàn toàn trong năm 2024, nội dung xoay quanh hình tượng người cán bộ cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Nghệ sỹ ưu tú Vương Tuấn vào vai nhà cách mạng Trương Văn Bang.
Tối 16/10, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An công diễn ra mắt vở cải lương tham dự Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024, về nhà cách mạng Trương Văn Bang.
Vở cải lương "Người con của rừng tràm" do Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An dàn dựng mới hoàn toàn trong năm 2024, nội dung xoay quanh hình tượng người cán bộ cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Lấy ý tưởng từ nhân vật lịch sử Trương Văn Bang và chiến thắng Láng Le-Bàu Cò (thuộc Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn), nay thuộc huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) do ông Trương Văn Bang tham gia chỉ huy vào năm 1948.
Vở diễn tái hiện lại những năm 1931-1945 khi Trung Huyện là địa bàn hoạt động của Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, Công an Nam Bộ, Quân khu 7. Đặc biệt, khu vực cạnh sông Chợ Đệm, thuộc ấp 4, xã Tân Kiên chính là nơi được Xứ ủy Nam Kỳ họp quyết định cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 25/8/1945.
Trung Huyện có vai trò quan trọng nên trên chiến trường này, giặc Pháp nhiều lần tổ chức càn, vây giáp nhằm hình thành thế bao vây, tấn công dồn quân ta vào giữa cánh đồng Láng Le-Bàu Cò hòng tiêu diệt.
Ngày 15/4/1948, trên địa bàn Láng Le-Bàu Cò đã diễn ra một trận chiến đấu chống lại quân Pháp. Đây được coi là một trong những chiến thắng mở đầu chống càn quét lớn của quân và dân ta.
Trong trận đánh này, lực lượng ta chiến đấu với 3.000 quân Pháp tinh nhuệ. Các chiến sỹ cách mạng trang bị vũ khí thô sơ, lực lượng nhỏ, chỉ có lòng dân và địa thế là ủng hộ quân ta.
Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Trương Văn Bang, Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh góp phần tạo nên chiến thắng vẻ vang của trận Láng Le-Bàu Cò.
Quân ta từ thế bị bao vây đã chuyển hẳn sang chủ động tấn công và rút toàn bộ lực lượng về rừng tràm Bà Vụ an toàn.
Trận Láng Le-Bàu Cò được xem như câu trả lời của cách mạng đối với thực dân Pháp rằng chúng không thể thắng được dân tộc Việt Nam.
Vở cải lương "Người con của rừng tràm" do nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên viết kịch bản; các nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Hồ Ngọc Trinh (Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An) làm đạo diễn; nghệ sỹ Ưu tú Vương Tuấn vai Trương Văn Bang, nghệ sỹ Ưu tú Ngọc Đợi vai Nguyễn Thị Một (vợ ông Bang, là cán bộ lão thành cách mạng, người con ưu tú của quê hương Long An trung dũng, kiên cường; đồng thời là nữ cán bộ bất khuất, nhân hậu).
Ông Trương Văn Bang (1911-1981) là một nhà cách mạng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.
Ông sinh ra tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), trong một gia đình nông dân nghèo. Ông là con thứ hai trong gia đình, vì vậy theo thông lệ Nam Bộ, ông còn được gọi là Ba Bang.
Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông chỉ huy Tiểu đoàn 724, lấy tên là Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh, hoạt động miệt Cần Giuộc, Nhà Bè, Trung Huyện. Năm 1947, ông công tác ở Trung ương cục Miền Nam, Trưởng ban Tổ chức Phân liên khu miền Đông./.
Theo TTXVN