Những ngày qua dư luận quan tâm nhiều đến vụ việc tòa xét xử các phụ huynh, giáo viên, cựu trưởng phòng khảo thí về vụ gian lận điểm thi ở tỉnh Hòa Bình. Giáo dục là dạy học trò làm người, tiếp tục học làm người nhưng xem ra người lớn quên mất vai trò, trách nhiệm của mình trong đó có phải làm gương cho con em mình, học sinh mình.
“Con tôi bị nâng điểm, không phải được nâng điểm” là câu trả lời của phụ huynh gây “hoang mang” cho mọi người hơn hết. “Bị”, hay “được” gì mà một bài thi được nâng đến mười mấy điểm. Sự công bằng cho học sinh nằm ở đâu trong cuộc đua “về đích” của một giai đoạn học tập của các em học khá, giỏi? Trong khi các bị cáo đều khai nhận và khẳng định nhận tiền từ phụ huynh có con được nâng điểm, có người nhờ nâng điểm cụ thể thì tất cả phụ huynh cùng cho rằng họ “không nhớ, không nhờ ai và không có nhu cầu nâng điểm, chạy điểm cho con”. Nhóm giám khảo thì tố cáo họ bị ép chấm nâng điểm, ký khống bài thi.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Việc học tập của học sinh là quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích từ thầy cô, bạn bè và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau. Tất cả nhằm hướng đến chân thiện mỹ, hình thành nhân cách của con người.
Chúng ta hãy chú ý đến mục đích học tập rất cụ thể của UNESCO đã định nghĩa. Đó là: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình. Vậy hà cớ gì người lớn “tặng điểm, bắt buộc nhận điểm” khi mà các em không có thực lực đúng như thế? Vậy sau này các em lấy cơ sở nào để biết, để làm, để chung sống và khẳng định mình?
Đừng quên chúng ta như thế nào thì con em, học sinh mình sẽ “học” theo như thế. Vì thế mà người lớn luôn phải làm gương!
QUỲNH NHƯ