Người luôn thân thiện với môi trường

Cập nhật: 13-08-2015 | 09:51:52

Đó là cô giáo Thân Thị Diệp Nga, Nhà giáo ưu tú, từng là giảng viên sinh học Khoa khoa học tự nhiên, trường Đại học Thủ Dầu Một. Giờ đây, dù đã về hưu nhưng hàng ngày, cô vẫn tìm tòi nhiều mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) mới giúp người dân làm quen và nhân rộng…

 Cô Nga đang chăm chút tháp rau sạch của mình

Với giọng nói nhẹ nhàng, mềm mại, cô Thân Thị Diệp Nga vừa chăm sóc cây, vừa hướng dẫn cho chúng tôi cách trồng cây từ rác. Có được mô hình này, cô đã tự tìm tòi nghiên cứu trên mạng, sách báo và áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm có được trên trường lớp và thực tiễn. Chỉ vào những tháp trồng rau sạch mà cô đang thử thực nghiệm, cô cười tươi nói, kinh phí ban đầu cho một tháp không đáng là bao. Tháp cộng với đất cùng với trùn quế tổng cộng trên 2 triệu đồng. Tuy nhiên, lợi ích mang lại rất hữu hiệu, bởi một lần đầu tư thì có thể trồng hoài mà không cần thay đất lần nào nữa.

Cô tiếp tục phân tích, không chỉ là thu lợi từ nguồn rau xanh hàng ngày, mà theo cấu tạo phần giữa của tháp, có ống nhựa khoan lỗ xung quanh và để trống. Phần để trống đó chủ yếu dùng để rác vào như vỏ trái cây, rác thải tái chế… Rác tái chế này một lần nữa xử lý làm phân hữu cơ để cải tạo đất trong tháp; ngoài ra phần dưới ống để nước ủ thải ra ngoài, cuối cùng lấy nước thải đó tưới các loại cây khác.

Tỉ mỉ bên từng gốc rau, cây cảnh, cô cảm thấy hài lòng với chính mình. Thay vì trồng trên đất, từ đi rải hạt đến khi thu hoạch cây mồng tơi, ít nhất một tháng. Thế nhưng, trồng mồng tơi với mô hình tháp chỉ trong vòng 10 ngày. Cô nói tiếp, cái lợi lớn nhất của việc trồng rau từ rác này là hạn chế và xử lý rác thải, tiết kiệm chi phí và BVMT. Ngày chúng tôi đến, cô đang trang bị hệ thống trồng rau mầm và giá đỗ trong nhà tưới có hệ thống tự động mini, vận chuyển được từ sân vào nhà khi tối đến và từ trong nhà ra ngoài sân vào ban ngày. Cô nói, sau khi thử nghiệm thành công, cô luôn ao ước có tiền để đầu tư nhân rộng mô hình, góp phần đem đến một môi trường xanh, sạch từ trong gia đình ra ngoài phố.

Xuất phát từ yêu thích và thân thiện với môi trường, dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng hiện nay, cô vẫn đảm đương trách nhiệm là Chủ nhiệm CLB Bảo vệ động vật hoang dã. Suốt 4 năm thực hiện, cô cùng với các thành viên tổ chức nhiều loại hình truyền thông nhằm giáo dục sinh viên, học sinh và cộng đồng cùng nhau bảo vệ động vật hoang dã, như triển lãm, chiếu phim, nói chuyện chuyên đề, xây dựng kịch bản và hình thành đội kịch diễn vở “Một lần xuống phố”, phối hợp Cảnh sát môi trường Bình Dương giải cứu một cá thể mèo cá tại quán ăn cạnh trường Đại học Thủ Dầu Một và báo để giải thoát 8 cá thể khỉ nuôi nhốt… Đặc biệt, trong chương trình “Tiết học xanh” năm 2014, cô đã hoàn thành xuất sắc vai trò Trưởng ban điều phối vì đã đem lại hiệu quả trong việc vận động người dân “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”, góp phần nâng cao kiến thức BVMT cho thanh thiếu niên ở Bình Dương.

Với những việc làm đầy ý nghĩa vì một môi trường xanh, câu lạc bộ do cô làm chủ nhiệm được UBND tỉnh khen thưởng. Đáng trân trọng hơn là số tiền được sử dụng thăm bộ đội Trường Sa. Bản thân cô được khen thưởng vì có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà trong giai đoạn 1975-2015.

 

 M.H

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=893
Quay lên trên