Người mắc bệnh tim mạch có xu hướng trẻ hóa

Cập nhật: 01-07-2024 | 09:00:10

Theo các chuyên gia y tế, nếu như trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…, thì hiện nay, các bệnh này đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có ca bệnh dưới 30 tuổi.

Các bệnh lý tim mạch diễn biến trong âm thầm được mệnh danh là những "kẻ sát nhân thầm lặng". Diễn biến trong âm thầm chính là điều làm nên sự nguy hiểm của bệnh.


Ảnh minh họa.

200.000 người Việt tử vong vì bệnh tim mạch mỗi năm

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5 % tổng số ca tử vong. Khoảng 25% người trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca mắc bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20%.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư.

Bệnh lý tim mạch và chuyển hóa là một trong những nhóm bệnh lý phức tạp có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các bác sĩ đã tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40. 

Về nguyên nhân góp phần làm gia tăng bệnh tim mạch, theo chuyên gia có nhiều yếu tố, trong đó toàn cầu hóa và đô thị hoá, sự thay đổi môi trường như là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực là yếu tố nguy cơ này làm phát triển bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, yếu tố công việc căng thẳng, stress tinh thần cũng làm gia tăng căn bệnh này. 

Cần điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe

Theo chuyên gia, dấu hiệu bệnh tim mạch thường xuất hiện thoáng qua, không rõ ràng, khiến người bệnh không để ý cho đến khi có các dấu hiệu nặng. Kèm theo đó là gánh nặng kinh tế khi bệnh chuyển biến phức tạp, cần phác đồ, phương pháp phẫu thuật, thủ thuật can thiệp tốn kém hơn.

Các chuyên gia y tế cũng khẳng định bệnh tim mạch có thể phòng được, có thể can thiệp giảm nguy cơ mắc, giảm mức độ nặng thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia.

Bên cạnh đó, người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, dùng thuốc phù hợp.

Những biểu hiện để người dân nhận biết bệnh tim mạch bao gồm: Khó thở, nhất là xảy ra trong khi nằm, khi hít thở sau, cảm giác giống như có vật nặng đè lên ngực; nặng, tức ngực, người bệnh cảm thấy đau thắt ngực ở vùng dưới xương ức, thời gian kéo dài cơn đau khoảng 10 phút và thường xuyên tái diễn. Cùng đó là khả năng gắng sức kém như: Hụt hơi, mệt mỏi sau khi làm bất cứ hoạt động nào và thường xuyên diễn ra tình trạng này là triệu chứng điển hình của bệnh lý về tim.

Người mắc bệnh tim cũng có thể cảm thấy nhìn mờ, chóng mặt hoặc mất thăng bằng trong giây lát vì tim không đủ sức để bơm máu đi tới các cơ quan; ho trong thời gian dài (hầu hết các trường hợp ho mạn tính có liên quan đến bệnh lý đường hô hấp).

Ngay khi có những dấu hiệu trên, người dân cần đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=846
Quay lên trên