Người “thổi hồn” vào gốc cây

Cập nhật: 04-08-2014 | 00:00:00
Nhìn những tác phẩm nghệ thuật được chạm trổ cầu kỳ, tỉ mỉ không ai nghĩ chúng đều được tạo từ rễ cây đã bị bỏ đi. Những gốc cây vô tri vô giác ấy khi qua bàn tay của ông Nguyễn Văn Tỏ (khu phố 5, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên) đã trở thành tuyệt tác điêu khắc đáng chiêm ngưỡng.

 Bén duyên với rễ cây

Ngay bản thân ông Tỏ cũng thừa nhận rằng, con đường đến với điêu khắc gốc cây chỉ có thể diễn đạt bởi từ duyên. Năm 1983 sau khi rời quân ngũ ông về công tác tại cơ quan Nhà nước. Đến năm 1985 ông nghỉ việc ở cơ quan. “Không làm việc nước thì làm việc nhà, tôi cùng vợ lao vào làm kinh tế gia đình. Mãi sau này khi tình cờ thấy gốc cây kế bên vườn nhà, với ý nghĩ mang gốc cây vô tri này về “tái chế” thành vật hữu ích, tôi đến với nghệ thuật điêu khắc gốc cây cũng từ đây”, ông Tỏ cho biết. Hàng ngày “thổi hồn” vào những gốc cây xù xì, gai góc cũng là cách ông tạo niềm say mê, thú vui riêng cho mình vào lúc rảnh rỗi không vướng bận việc gia đình.

   Ông Tỏ bên bộ bàn, ghế làm từ rễ cây Ảnh: L.HƯƠNG

Khi đó gốc cây nhiều, ông Tỏ chủ yếu chọn gốc cây trắc và một vài loại gốc cây quý khác như gõ mật, giáng hương… để mày mò sáng tạo. “Những gốc cây này có độ bền cao, không bị nứt nẻ trong quá trình lưu giữ. Cùng tốn công sức bỏ ra nhưng nếu sử dụng loại gốc cây bình thường thì chỉ được thời gian ngắn như vậy xem như uổng phí tâm huyết mình đặt vào tác phẩm. Bây giờ gốc loại cây này không còn nhiều nữa nên tôi đã chuyển qua sử dụng gốc cây xà cừ hay gốc mít”, ông Tỏ bộc bạch.

Vì.. đam mê

Nhen nhóm ý định điêu khắc gốc cây nhưng trong đầu ông Tỏ không có bất kỳ khái niệm nào về nghề mộc, về hội họa hay dụng cụ đục đẽo nào ngoại trừ lòng đam mê. Gốc cây tìm được hay mua từ bạn bè, có thời điểm vài năm trước ông đã bỏ ra 2 chỉ vàng để mua về một gốc cây thô sơ, chưa có giá trị thẩm mỹ. Sau khi mang về phơi nắng cẩn thận, có gốc nặng mấy chục kg ông phải nhờ người phụ giúp, rồi lật ngược lại mới có thể đục, chạm trổ thành hình. “Làm mấy cái này luôn phải suy nghĩ xem cái gốc ấy phù hợp với kiểu gì, dáng gì cho đẹp. Làm từ từ thì quen tay, có kinh nghiệm cho những gốc cây sau”, ông Tỏ cho biết.

Tham quan gia tài điêu khắc gỗ sau hơn 10 năm miệt mài tạo dựng của ông Tỏ, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng vì tất cả quá đẹp. Ấn tượng hơn vì mọi thứ đều được định hình bởi một nghệ nhân tay ngang. Từng gốc cây với dáng đứng hiên ngang, xen vào đó là những con rắn hổ mang uốn lượn trên ngọn cây; cặp đầu rồng tinh xảo, khéo léo nhô ra từ trong hốc, được ông Tỏ điểm xuyến lên hàng lông mi giả khiến cặp mắt của đôi rồng càng thu hút hơn. Cũng những gốc cây đó nhưng đôi khi là một con cá mập hay cái bàn uống nước hình con rùa. Đáng chú ý nhất chính là bộ bàn ăn có một không hai được ông làm suốt mấy năm trời vì phải vừa làm vừa chờ đủ số lượng gỗ, từng cái ghế không cái nào giống cái nào, mỗi cái là một hình thù riêng biệt rất độc đáo.

Nơi “làm đẹp” cho gốc cây của ông chỉ vài ba mét ở cuối sau nhà. Với dụng cụ đục đẽo, máy mài thô sơ nhưng vẫn còn đó nhiều gốc cây cần đến bàn tay của ông phù phép. Mỗi một tác phẩm làm ra đối với ông Tỏ chẳng khác nào đứa con của mình có được từ thành quả ngày đêm miệt mài sáng tạo. Ông Tỏ tâm sự: “Khắp nhà đâu đâu cũng để tác phẩm hoàn thành, tới phòng khách cũng chật kín chỗ rồi. Nếu có người muốn mua, được giá cũng phải bán bớt đi”.

 LAN HƯƠNG - HỒNG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên