Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ dịch vụ nấu ăn lưu động

Cập nhật: 21-02-2024 | 09:01:45

Hiện loại hình dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động được người dân, cơ quan, đơn vị lựa chọn mỗi khi tổ chức tiệc tùng, sự kiện và có xu hướng ngày càng phát triển bởi sự thuận tiện. Tuy nhiên, đây được xem là loại hình có nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn thực phẩm nếu không được kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

 Các ngành chức năng lấy mẫu thực phẩm kiểm tra nhanh vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể

 Ngộ độc thực phẩm qua nấu ăn lưu động

Trước đây, trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do cá nhân tổ chức nấu ăn lưu động tự phát tại chùa với 7 người phải nhập viện cấp cứu và 1 người tử vong. Kết quả điều tra ban đầu của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh xác định 2 chị em bà C.N.H. (53 tuổi) và bà C.N.M. (41 tuổi) có đến miếu Chiêu Liêu, TP.Thủ Dầu Một tổ chức nấu bún riêu (gồm chả chay và patê chay), cơm, khổ qua kho, đậu hũ kho, cà chua, chè thập cẩm, trà tắc để ăn trưa. Bữa trưa có 25 - 30 người ăn. Sau bữa ăn, bà H., bà M. và một số người có chung biểu hiện chóng mặt, mờ mắt, cứng lưỡi, khó nuốt được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, bà M. không qua khỏi. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn vào cuộc điều tra, lấy mẫu chả chay (bao gói kín), patê chay trên thị trường và tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn để truy tìm độc tố của Clostridium Botulinum.

Bà Phan Kim Sương, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Giai đoạn 2010-2023, Bình Dương xảy ra 19 vụ ngộ độc thực phẩm với 769 người mắc, 4 người chết, trong đó ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm do cá nhân tổ chức nấu ăn lưu động tự phát. Loại hình dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Cùng với đó, sự phát triển nhanh về số lượng cơ sở và ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, người dân sử dụng đang là vấn đề được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Trước thực tế này, cần có giải pháp phù hợp cùng sự tham gia vào cuộc quyết liệt của sở, ngành có liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân”.

Khác với các loại tiệc truyền thống tổ chức cố định tại một vị trí như tiệc tại nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động là dịch vụ tổ chức tiệc ăn uống tại địa điểm mong muốn theo nhu cầu của khách hàng, có thể là tại nhà, cơ quan, nhà máy, các điểm vui chơi, giải trí... Đặc thù của dịch vụ nấu ăn lưu động là không có địa điểm cố định. Các cơ sở này thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức đám tiệc. Trong quá trình vận chuyển, thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn do thực phẩm sống chín để lẫn lộn, dụng cụ bảo quản không bảo đảm vệ sinh và không được che đậy kín. Nấu ăn lưu động là loại hình bếp ăn tập thể, phục vụ nhiều người cùng một lúc nên rất khó tránh khỏi nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể.

Siết chặt quản lý

Hiện loại hình dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động đang được người dân, cơ quan, đơn vị lựa chọn mỗi khi tổ chức tiệc tùng, sự kiện và có xu hướng ngày càng phát triển bởi sự thuận tiện. Trong năm 2023, tuyến huyện đã kiểm tra được 183 cơ sở nấu đám tiệc. Kết quả, có 161 cơ sở đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, chiếm tỷ lệ 87,9%, không đạt có 22 cơ sở và đã xử lý nhắc nhở 20 cơ sở, phạt tiền 2 cơ sở. “Hiện công tác kiểm tra, giám sát loại hình dịch vụ ăn uống lưu động còn nhiều khó khăn, hạn chế do nguồn lực có hạn, việc tổ chức mang tính tự phát, khó quản lý trong khi có quá nhiều các sự kiện liên quan đến việc tổ chức hiếu hỷ diễn ra tại địa phương”, bà Phan Kim Sương cho biết thêm.

Để siết chặt quản lý hoạt động này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đang xây dựng kế hoạch đề xuất mô hình quản lý đặc thù đối với loại hình cá nhân nấu đám tiệc tự phát cho tuyến huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn. Với vai trò là đầu mối, chi cục đang tham mưu Sở Y tế chỉnh sửa, bổ sung quy định về phân công, phân cấp, tần suất, phương pháp kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động.

Theo đó, chi cục tổ chức phân công, phân cấp kiểm tra chặt chẽ đối với từng loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; phát huy vai trò của đoàn kiểm tra liên ngành và huy động các tổ chức chính trị, xã hội cùng tham gia đoàn kiểm tra để tuyên truyền, giám sát. Đặc biệt, chi cục xác định truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cho chủ cơ sở, người cung cấp dịch vụ ăn uống lưu động, người nấu đám tiệc và người thuê dịch vụ ăn uống lưu động.

 Thống kê đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 263 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động với các loại hình: Nhà hàng tiệc cưới có phục vụ lưu động, cơ sở nấu đám tiệc và cá nhân nấu đám tiệc tự phát. Cá nhân nấu đám tiệc tự phát đang là loại hình khó quản lý, thường nấu các đám tiệc nhỏ, tự phát (đám tang, đám giỗ, sinh nhật) và chưa kiểm tra, giám sát được quá trình tổ chức tại nhà.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên