Anh dừng cuộc chơi mà không “dự cảm” trước một điều gì với anh em, bạn bè. Bởi, trước khi đột quỵ một ngày, anh vẫn đi làm, vẫn đến Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh nói say sưa về những ca khúc của mùa xuân, tình yêu... Đó cũng là 2 mảng đề tài anh “ưa” đưa vào nhạc của mình.
Sống là phải… nhẹ nhàng!
Trong bất cứ cuộc gặp gỡ, hát hò cùng bạn bè nào, nhạc sĩ (NS) Lê Trung Hiếu cũng là “cái đinh” của đám đông. Dáng vóc rất nghệ sĩ với ánh mắt nhìn ấm áp, cách nói chuyện dí dỏm, anh làm cho mọi người vui tươi hơn. Anh ôm đàn ghi-ta và hát “nhạc chế” chứ ít khi hát nhạc của mình, anh lại làm cho mọi người cười sảng khoái, cười hết cỡ. “Thế thôi, sống là phải nhẹ nhàng, cuộc đời mà, có gì đâu…”. Anh hay nói như thế với những anh chị em ở Hội VHNT, nói về sáng tác mới hay những câu chuyện về âm nhạc.
NS Lê Trung Hiếu trong một lần cà phê cùng bạn bè
Anh có cả một “kho” chuyện tiếu lâm, nên dường như từ “buồn” không có trong từ điển của anh! Đó chỉ là bề ngoài, bởi đôi khi nơi quán cà phê cóc anh bỗng dưng nhìn xa xăm, như chiêm nghiệm. Những lúc như vậy, bạn bè có hỏi thì anh bảo: “Nhạc trẻ giờ có nhiều bài sao kỳ quá em ha? Âm nhạc kiểu… thù ghét nhau như thế thì sẽ đi về đâu?”… Đó cũng là lúc anh bàn về nhạc xưa, nhạc nay. Anh từng nhận xét về nghề của mình: “Một số NS trẻ sáng tác rất sung cho dòng nhạc thị trường và họ có rất nhiều đơn đặt hàng để viết. Nhạc trẻ bây giờ theo cơ chế thị trường. Đây cũng là điều làm cho những bạn trẻ bây giờ “dựa vào” để đánh bóng tên tuổi. Có nhiều bài nhạc trẻ… uổng quá! Bởi, tiết tấu, giai điệu trẻ trung, dễ đi vào lòng người nhưng lời thì… Đây cũng là lỗi chung của những NS trẻ bởi họ quá ít chịu trau chuốt lời ca khúc của mình”.
Bạn bè nói về anh…
Giờ thì anh đã vĩnh viễn xa rời những cuộc vui chơi, đàm đạo thơ nhạc. Sáng qua (26-12), chúng tôi tề tựu ở Hội VHNT để đến nhà “thăm” anh lần cuối. Anh sinh 27-7-1954 tại TP.HCM, mất ngày 25-12-2013, hưởng thọ 60 tuổi, tính theo tuổi ta. Ngày 28-12 này, người thân, bạn bè lại tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng ở Hoa viên nghĩa trang Chánh Phú Hòa, Bến Cát, Bình Dương. Cùng với nhiều nghệ sĩ khác, ở đây anh đã tìm được “một cõi đi về”…
Buồn thẩn thờ, chị Nguyễn Thị Phượng (TX.Thuận An), hội viên (HV) Hội VHNT tỉnh nói về anh như một người anh, người thầy: “Mình là HV của bộ môn văn xuôi nhưng vài năm gần đây rất thích sáng tác âm nhạc. Thế là mình thử tập tành viết nhạc. Nhạc phẩm mình viết xong thường đưa cho anh Hiếu coi lại. Anh chân tình sửa bài, sửa giai điệu cho hay hơn, đúng hơn. Nhờ sự giúp đỡ của NS Lê Trung Hiếu mà mình có những bài được phát trên sóng BTV như: Mùa thu nhớ mẹ, Nhớ Tân Uyên, Xuân vui ca…”. Chị Phượng cũng là một trong những người bạn ở bên anh phút giây cuối cùng và chị nói thêm: “Anh ấy đi thanh thản, gương mặt tươi tỉnh như tính cách của anh vậy, em ạ”. Chị Lệ Hồng (Bến Cát) cũng là HV Hội VHNT tỉnh, thường gọi anh bằng thầy. Chị nói NS Lê Trung Hiếu chỉ bày cho tôi từng nốt nhạc, từng giai điệu, ca từ… Nhờ sự dìu dắt của anh mà chị Lệ Hồng có những bài hát ưng ý như: Hoài mong, Nắng mới, Vẫn bên anh…
Nơi quán cà phê cóc trước Hội VHNT tỉnh, bạn bè vẫn ngồi đó, giờ thiếu vắng anh. Không còn đưa mắt nhìn một khoảng trời mơ mộng, một dòng sông kỷ niệm nhưng tôi tin, ở nơi nào đó, anh lại rong chơi!
“Đi” thanh thản anh nhé!...
NS Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bình Dương, chia sẻ: NS Lê Trung Hiếu (công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương), là HV Hội Nhạc sĩ Việt Nam, HV Hội Nhà báo Việt Nam, HV Hội VHNT tỉnh và Chủ nhiệm CLB sáng tác ca khúc Bình Dương. Anh là một trong những người đi đầu trong sáng tác âm nhạc của Sông Bé - Bình Dương những năm đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Ca khúc của Lê Trung Hiếu vui tươi, nhẹ nhàng như con người của anh vậy. Anh sáng tác theo phong cách nhạc nhẹ, giai điệu với ca từ trẻ trung, sôi động. Các ca khúc của anh thường được dàn dựng phát sóng trên các Đài PTTH từ Trung ương đến các tỉnh, thành. Trong đó, có những ca khúc được bạn trẻ yêu thích, như: Romance Bình Dương khúc hát lòng tôi, Cho em mùa xuân tình yêu, Kỷ niệm mùa hoa dầu, Vần thơ yêu em…
QUỲNH NHƯ