Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thực hiện công tác giám sát đối với tình hình thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Tại buổi làm việc cho thấy, công tác đầu tư XDCB vẫn còn bộc lộ những hạn chế cố hữu, từ lập hồ sơ dự án, xây dựng kế hoạch, giải phóng mặt bằng... đặc biệt là tiến độ giải ngân các công trình trọng điểm còn khá chậm...
Giải ngân chậm do còn nhiều vướng mắc
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đến nay tổng giá trị cấp phát trong lĩnh vực XDCB đạt trên 2.400 tỷ đồng, tương đương với 63% kế hoạch của cả năm; trong đó vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 55%, vốn ODA đạt 92%, vốn tỉnh quản lý đạt 65,7%, vốn các huyện, thị quản lý đạt 70,9%. Cũng theo đánh giá từ Sở KH-ĐT, khối lượng nghiệm thu và giá trị giải ngân trong 9 tháng năm 2011 là còn khá thấp so với kế hoạch, đặc biệt là đối với một số ngành như cấp thoát nước công cộng, y tế, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, văn hóa, an ninh và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Do vướng giải tỏa nên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TX.TDM) nhiều năm nay vẫn không thông tuyến
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân các công trình, dự án chậm, Sở KH-ĐT cho rằng, do công tác giải phóng mặt bằng nhiều công trình còn gặp nhiều khó khăn, người dân chưa thống nhất với mức đền bù. Mặt khác, các chủ đầu tư chưa thực hiện tốt trình tự thủ tục hồ sơ khi giải tỏa, chưa mạnh dạn thực hiện cưỡng chế... Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa nghiên cứu khảo sát kỹ, chất lượng dự án thấp nên nhiều dự án, công trình bị kéo dài công tác chuẩn bị đầu tư dẫn đến việc chậm trễ triển khai thi công, đơn cử như dự án thoát nước Chòm Sao suối Đờn, nạo vét suối chợ Tân Phước Khánh, trục thoát nước Bưng Hiệp suối Cát, khu tưởng niệm Chiến khu Đ...Đối với các huyện, thị các ban quản lý dự án cũng cho rằng việc thực hiện đầu tư XDCB còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đại diện Ban Quản lý dự án TX.Dĩ An cho biết, cho đến thời điểm này, giá trị cấp phát vốn cho các công trình mới chỉ đạt khoảng 51%. Lý do việc giải ngân thấp của Dĩ An là do các công trình vốn sự nghiệp thấp đã kéo tổng giá trị cấp phát xuống; đồng thời do công tác lập kế hoạch chưa chuẩn, công trình khả thi thì không có trong kế hoạch, ngược lại công trình có kế hoạch thì không có vốn bố trí... và do khối lượng chuyển tiếp công trình nhiều...
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Kim Vân, với những con số từ Sở KH-ĐT báo cáo, cho thấy tình hình thực hiện những dự án, công trình XDCB còn chậm. Những nguyên nhân làm chậm tiến độ vốn là yếu kém, hạn chế cố hữu từ nhiều năm nay vẫn chưa khắc phục được. “...Hiện toàn tỉnh có 123 công trình đang được thực hiện, trong đó 10 chủ đầu tư lớn chiếm đến 80% số dự án của cả tỉnh. Do đó, UBND tỉnh, các sở ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo sát sao đối với 10 chủ đầu tư này, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhằm bảo đảm kế hoạch đầu tư XDCB đã được HĐND tỉnh đề ra...”, bà Vân khuyến cáo.
Cần tập trung thực hiện các công trình trọng điểm
Theo báo cáo từ Sở KH-ĐT về 10 dự án, công trình trọng điểm đang được tập trung thực hiện, kết quả cho thấy cũng không khả quan về tiến độ. Ngoài một số dự án đạt được tiến độ khá thì các dự án còn lại đều đang khá ì ạch. Cụ thể, dự án đền bù đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã giải ngân trên 71% kế hoạch; dự án đường vào Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung giải ngân 100% kế hoạch và đã khởi công giai đoạn 1; dự án các trạm quan trắc nước thải tự động cho các khu công nghiệp giải ngân 62% kế hoạch; dự án Trung tâm quần thể tượng đài khu di tích địa đạo Tam giác sắt giải ngân 58% kế hoạch... Bên cạnh đó, các dự án đường ĐT744 mới giải ngân được 35% kế hoạch; dự án đường Nguyễn Chí Thanh chỉ đạt 21% kế hoạch. Đặc biệt, các dự án bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa bao gồm nhi, tâm thần, ung bướu, lao phổi, điều dưỡng phục hồi chức năng... gần như vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Theo Sở Y tế tỉnh, việc thực hiện đầu tư các bệnh viện này chậm trễ là do trình tự thủ tục với dự án bệnh viện phức tạp và khó khăn trong việc tìm kiếm vị trí xây dựng. Hiện các dự án này đã được chuyển cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện.
Trước tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Kim Vân đánh giá, trong 10 công trình thì đã có tới 5 công trình dự án không đạt kế hoạch, cho thấy tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm còn ì ạch. Do đó, UBND tỉnh, các ngành chức năng, các chủ đầu tư cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện nhanh các công trình này, tạo tiền đề hạ tầng kỹ thuật cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
THÀNH SƠN
Hệ thống Tabmis đã hoạt động ổn định
Theo Sở KH-ĐT, việc áp dụng thực hiện quản lý ngân sách trong lĩnh vực XDCB theo Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) tuy mang tính khoa học, chặt chẽ nhưng do mới áp dụng thực hiện nên quá trình vận hành còn phức tạp, gây chậm trễ, khó khăn cho công tác điều chuyển và giải ngân vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, hiện hệ thống này đã được xử lý những giải pháp công nghệ, do đó đã hoạt động ổn định và bảo đảm không gây cản trở cho các giao dịch trên hệ thống này trong thời gian tới.
Cần tranh thủ nguồn vốn ODA
Trong khi các dự án vốn tỉnh, huyện thị quản lý thực hiện giải ngân chậm thì đối với các dự án vốn ODA lại là một điểm sáng. Tính đến hết tháng 9-2011, tổng giá trị khối lượng nghiệm thu của các công trình sử dụng vốn ODA đã đạt 100% kế hoạch; tổng giá trị cấp phát cũng đạt tới 92%. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Kim Vân, nguồn vốn ODA thực hiện tại Bình Dương còn quá khiêm tốn vì giá trị nghiệm thu dù đạt 100% kế hoạch nhưng chỉ có tổng đầu tư 50 tỷ đồng. Theo bà Vân, trong thời gian tới, địa phương cần phải tranh thủ sao cho có thể được sử dụng nguồn vốn này nhiều hơn nhằm tạo ra nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn tỉnh cắt giảm 91 dự án theo Nghị quyết 11
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công 10%, Bình Dương đã thực hiện việc cắt giảm với số tiền 330 tỷ đồng. Theo đó, đến nay có 91 dự án đầu tư XDCB được cắt giảm, giãn tiến độ thực hiện gồm 50 dự án, công trình khởi công mới với tổng vốn 199 tỷ đồng; 20 dự án, công trình chuyển tiếp với số vốn 60,8 tỷ đồng; 18 công trình, dự án chuẩn bị đầu tư với tổng vốn 62,55 tỷ đồng, 3 công trình thanh toán khối lượng với số vốn 7,5 tỷ đồng.
Đ.THANH