Xây dựng chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH); thiết lập hệ thống thông tin nhằm cung cấp thông tin, dự báo giải pháp; cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, Bình Dương đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH, nước biển dâng…
Đoàn viên thanh niên khai thông dòng chảy để khắc phục tình trạng ngập lụt tại một kênh rạch ở Bình Dương
Kết quả bước đầu
Theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2015, 2016-2020, 2021-2030, trong giai đoạn 2013-2015, Bình Dương có 8 dự án ưu tiên cần tiến hành thực hiện, trong đó có 6 dự án đang triển khai thực hiện. Cụ thể, Dự án “Tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai và BĐKH TX.Thuận An”; Dự án “Khảo sát lập kế hoạch nâng cấp hệ thống đê bao, xác định sông, kênh mương, suối trên địa bàn tỉnh cần nạo vét, khai thông dòng chảy”; Dự án “Giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện BĐKH”; Dự án “Tuyên truyền vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một”…
Như vậy, Bình Dương đã và đang triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH, nước biển dâng. Đối với các giải pháp ứng phó trong giai đoạn ngắn hạn (2011-2020), Bình Dương đã xây dựng chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai và BĐKH; thiết lập hệ thống thông tin nhằm cung cấp thông tin, dự báo giải pháp các vấn đề về BĐKH; cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH theo các kết quả mới nhất; xây dựng các giải pháp bảo vệ hệ sinh thái; diễn tập cứu hộ, cứu nạn…
Đối với các giải pháp ứng phó trong giai đoạn dài hạn (sau năm 2020), Bình Dương cập nhật chính sách mới giúp người dân có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp trong nông nghiệp; nghiên cứu, khảo sát các công trình đập, hồ chứa hiện nay trên địa bàn tỉnh; đánh giá tác động của BĐKH đến các công trình thủy lợi, hồ chứa tỉnh; đề xuất biện pháp thích ứng; tập huấn về phòng chống thiên tai cho cộng đồng; tuyên truyền vận động sử dụng tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính CO2 trong sinh hoạt đô thị…
Dù chưa đánh giá nhận thức về BĐKH và tác động của BĐKH đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhưng đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện Dự án “Tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai và BĐKH tại TX.Thuận An”… Tổng kinh phí được giao thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2015 hơn 1.101 tỷ đồng. Dự án đẩy mạnh tuyên truyền vận động sử dụng tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường; giảm thiểu phát thải khí CO2 trong sinh hoạt đô thị; quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị tỉnh Bình Dương; khai thông dòng chảy để khắc phục tình trạng ngập lụt tại một số kênh rạch thuộc TX.Thuận An và huyện Dầu Tiếng, góp phần mang lại hiệu quả đáng kể trong cộng đồng.
Vẫn còn nhiều dự án đang triển khai
Để góp phần tích cực ứng phó với BĐKH, Bình Dương đang tiếp tục triển khai thực hiện các Dự án “Giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện BĐKH”. Dự án này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí dự kiến trên 1,6 tỷ đồng; Dự án “Tuyên truyền vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một” do Sở Công thương chủ trì, hiện gửi Sở Tài chính thẩm định với tổng kinh phí dự kiến 1,6 tỷ đồng…
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, Bình Dương vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do việc áp dụng chế độ, chính sách có thay đổi đơn giá tiền lương nên phải chỉnh sửa hồ sơ, dự án, dự toán thi công nhiều lần; Chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ vốn để thực hiện các dự án ưu tiên nên gây áp lực cho địa phương về nguồn vốn để triển khai trong giai đoạn hiện nay cũng như trong thời gian tiếp theo...
Vì vậy, nhằm bảo đảm Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bình Dương đạt hiệu quả cao hơn, Bình Dương đã kiến nghị bộ, ngành Trung ương ban hành định mức, đơn giá điều tra khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của hạn hán làm cơ sở để lập, thẩm định phê duyệt Dự án “Ứng phó với hạn hán, khô hạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Song song đó, cắm lại hệ thống cọc, mốc cảnh báo lũ trên sông Sài Gòn - Thị Tính và bàn giao cho địa phương quản lý; đầu tư các công trình chống lũ ven sông Sài Gòn bằng nguồn kinh phí Trung ương; hỗ trợ nguồn vốn Trung ương để Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Bình Dương trở thành hành động thiết thực của cộng đồng.
P.V