Nhiều giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường

Cập nhật: 02-11-2017 | 10:04:07

Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT), Bình Dương đã đạt kết quả cơ bản sau một năm thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách BVMT.

Từ phòng ngừa, kiểm soát…

Phải khẳng định rằng những năm qua, chủ trương thu hút các dự án đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp ở Bình Dương đạt được kết quả đáng khích lệ. Thế nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn ngành nghề thu hút có tính chất, mức độ, lưu lượng, tải lượng phát thải cao hoặc không sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường (MT). Bên cạnh đó, kết quả quan trắc, giám sát diễn biến chất lượng MT trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số vùng, khu vực, lưu vực sông suối đang có nguy cơ suy giảm chất lượng, có dấu hiệu bị ô nhiễm, thường xuyên bị người dân phản ánh trở thành các điểm nóng về MT.

Chính vì thế, cuối tháng 7-2017, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành xác lập danh mục các ngành nghề, các vùng, địa điểm có nguy cơ xảy ra ô nhiễm MT, sự cố MT để tập trung kiểm soát, giám sát nhằm chủ động phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế tối đa các tổn thất, thiệt hại cho MT và con người. Theo đó, Bình Dương đã rà soát lại việc thực hiện các công trình BVMT của các dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động MT. Kết quả cho thấy toàn tỉnh có 600 dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động MT thuộc đối tượng phải thực hiện yêu cầu xác nhận hoàn thành các công trình BVMT trước khi đi vào vận hành chính thức và hiện có 160 dự án chưa thực hiện yêu cầu này. Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản nhắc nhở, yêu cầu các chủ dự án nhanh chóng nộp hồ sơ để sở kiểm tra, xác nhận theo quy định; đến nay có 27/160 dự án đã khắc phục, nộp hồ sơ và được sở kiểm tra cấp giấy xác nhận.


Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp gắn với BVMT

Song song với việc phòng ngừa, Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm trên địa bàn tỉnh, cụ thể như xây dựng Đề án Nâng cao năng lực giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về BVMT; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đề án thành phố thông minh trong lĩnh vực BVMT. Ngoài ra, Bình Dương tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp có lưu lượng từ 200m3/ngày trở lên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Những tháng đầu năm 2017, ngành chức năng đã thanh kiểm tra 453 doanh nghiệp BVMT, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 202 doanh nghiệp với số tiền gần 10 tỷ đồng; đồng thời triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động cho các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 500m3/ngày trở lên; đã có 62/93 nguồn thải đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động, kiểm soát được 78% tổng lưu lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bình Dương còn đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An với công suất xử lý 17.000m3/ngày; đang triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải cho đô thị Dĩ An… Đối với việc kiểm soát ô nhiễm chất thải rắn, Bình Dương đã ban hành kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để phân loại các chất thải rắn, hạn chế các chất thải ra MT và thu gom các chất thải còn giá trị để tái chế tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, Dĩ An và Bến Cát…

Nhiều giải pháp cấp bách

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch BVMT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020. Thời gian tới, Bình Dương sẽ triển khai thực hiện Đề án Nâng cao năng lực giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm các quy định về BVMT; tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp có lưu lượng từ 200m3/ngày trở lên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BVMT; tiếp tục điều tra, thống kê các nguồn thải và cập nhật, nâng cấp cơ sở dữ liệu các nguồn thải thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Bình Dương xây dựng và triển khai chương trình thực hiện Đề án thành phố thông minh trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện nghiêm túc quyết định của UBND tỉnh về việc ban hành danh mục các dự án đầu tư, các vùng, các địa điểm có nguy cơ gây ô nhiễm MT, sự cố MT và quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp mới trên địa bàn tỉnh; tập trung hoàn thành Kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2018 và tổ chức nhân rộng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Đề án xử lý chất thải y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được phê duyệt.

Để công tác BVMT ở Bình Dương đạt hiệu quả cao hơn, Sở TN&MT sẽ sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải bảo đảm tính thống nhất để các địa phương cập nhật thông tin các nguồn thải có hoạt động sản xuất đóng trên địa bàn, đề xuất cơ quan có thẩm quyền tăng cường biên chế cho các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT ở địa phương, mục đích là để tăng cường đội ngũ giám sát việc triển khai thực hiện các dự án tại từng công đoạn nhất là công đoạn xây dựng, vận hành thử nghiệm; ban hành và cụ thể hóa các chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư vào khu - cụm công nghiệp, nhất là đối với đầu tư vào cụm công nghiệp; đồng thời sở kiến nghị Bộ TN&MT xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm như miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, thực hiện quản lý MT theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý ô nhiễm...

P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2643
Quay lên trên