Để từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở, nâng cao chất lượng, điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương nỗ lực tăng thêm tổng diện tích sàn nhà ở thương mại và nhà dân tự xây với khoảng 19,3 triệu m2
Phát triển nhà ở, góp phần tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững. Trong ảnh: Khu nhà ở Sun Casa (Khu công nghiệp VSIP II) hoàn thành, vừa đáp ứng nhu cầu về nhà ở, đồng thời góp phần thay đổi diện mạo đô thị
Chỉ tiêu chưa đạt
Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân của tỉnh đạt so với kế hoạch đề ra (30m2/người). Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công cách mạng với 466 hộ, trong đó xây dựng mới 72 căn, sửa chữa 394 căn. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh có 831.505 căn nhà. Số lượng, chất lượng nhà ở tăng nhanh qua các thời kỳ, chủ yếu tăng nhà kiên cố và bán kiên cố, nhà đơn sơ giảm dần. Đến năm 2020, còn một tỷ lệ rất nhỏ nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ. Tính đến thời điểm tháng 12-2020, diện tích sàn xây dựng nhà ở toàn tỉnh Bình Dương đạt khoảng 77,061 triệu m2. Tuy nhiên, so với kế hoạch, diện tích sàn của một số loại hình nhà ở phát triển thêm vẫn chưa đạt.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong giai đoạn 2016-2020, phát triển nhà ở đã đáp ứng được nhu cầu gia tăng dân số của tỉnh, đồng thời góp phần thay đổi không gian đô thị. Tuy nhiên, chỉ tiêu diện tích sàn phát triển mới của người dân tự xây chưa đạt so với kế hoạch, tại thời điểm lập dự báo nhà ở chưa sát với nhu cầu và điều kiện của người dân. Hơn nữa, hiện nay người dân đang có xu hướng mua nhà tại các dự án thương mại để ở, có sẵn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu, bảo đảm ổn định nơi ở trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, chỉ tiêu diện tích sàn phát triển mới của nhà ở xã hội chưa đạt dù đã tập trung triển khai do khó khăn về cơ chế, chính sách, đất đai và nguồn vốn. Trong 5 năm qua, tỉnh đã kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,33 triệu m2 sàn nhà ở, đạt khoảng 65% so với chương trình, kế hoạch đã đặt ra.
Đáp ứng nhu cầu người dân
Hướng tới mục tiêu phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương sẽ từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, nâng cao chất lượng, điều kiện sống của các tầng lớp dân cư. Tỉnh sẽ huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn của các thành phần kinh tế và xã hội tham gia phát triển nhà ở. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản, chủ động điều tiết theo quy luật cung cầu. Song song đó, tỉnh tập trung phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp; nhà ở sinh viên và các đối tượng chính sách khác có khó khăn về nhà ở mua hoặc thuê, thuê mua phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; phát triển nhà ở thương mại theo quy hoạch được duyệt, đồng thời rà soát, tiếp tục xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại, hoàn thiện các dự án nhà ở đưa vào sử dụng. Ngoài ra, tỉnh sẽ chỉnh trang, tái phát triển đô thị, khu dân cư hiện hữu, góp phần nâng cao chất lượng sống dân cư.
Giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng diện tích sàn tăng thêm thực tế của nhà ở thương mại và nhà dân tự xây trên toàn tỉnh khoảng 19,3 triệu m2 (trong đó 6,97 triệu m2 sàn thương mại, 10,33 triệu m2 sàn nhà dân tự xây và 2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư). Diện tích đất dành cho nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư khoảng 125,5 ha. |
Để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian tới Bình Dương sẽ triển khai 8 nhóm giải pháp, như: Phát triển nhà ở theo khu vực đô thị phía nam và khu vực phía bắc; nhóm giải pháp về quy hoạch, kiến trúc; cơ chế chính sách phát triển nhà ở; phát triển nhà ở cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội; chỉnh trang và phát triển đô thị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ…
Triển khai thực hiện các nhóm giải pháp trên, Sở Xây dựng sẽ chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện triển khai, hướng dẫn, giám sát và đánh giá việc thực hiện. Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Sở sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp nghiên cứu tham mưu đề xuất UBND tỉnh liên quan đến việc rút ngắn quy trình thủ tục cấp giấy phép xây dựng phù hợp với quy định hiện hành; rà soát 20% đất ở xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại có bố trí quỹ đất, trường hợp chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh thu hồi và giao các nhà đầu tư có năng lực triển khai thực hiện”. Cũng theo ông Ngân, sở sẽ tăng cường thanh kiểm tra đối với các dự án nhà ở, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư dự án trong quá trình triển khai dự án để kịp thời đẩy nhanh tiến độ.
PHƯƠNG LÊ