Nỗ lực thu gom, xử lý tốt nước thải sinh hoạt

Cập nhật: 31-03-2022 | 08:58:27

Kế thừa những thành quả đạt được trong hai thập niên qua, Bình Dương đang tập trung toàn lực để hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn trong kỷ nguyên mới. Trong đó, xây dựng đô thị thông minh, phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược. Để đạt được những mục tiêu đó, cần có sự chung sức, chung lòng và vào cuộc quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và toàn dân.


Cán bộ kỹ thuật tại Chi nhánh Nước thải Tân Uyên theo dõi số liệu xử lý nước thải sinh hoạt định kỳ hàng ngày

Đầu tư bài bản, quy mô

Trong nhiều năm qua, Bình Dương đã chủ động xây dựng những phương án, lộ trình cụ thể, rõ ràng cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, việc đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hệ thống nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một từ thời điểm năm 2013 là một cú hích, điểm sáng của tỉnh được người dân đồng tình ủng hộ, được các bộ, ngành Trung ương và địa phương bạn đánh giá cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase), cho biết nhận được sự giao phó của tỉnh và tiếp nối những thành công tại TP.Thủ Dầu Một, những năm qua Biwase tiếp tục đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành có hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải tại TX.Tân Uyên, TP.Thuận An, TP.Dĩ An. Ông Sơn cho biết điểm chung của các nhà máy này là có dây chuyền công nghệ hiện đại, có khả năng xử lý và bóc tách triệt để các thành tố nguy hại, đưa nước sau xử lý đến khu vực hồ ổn định trước khi lưu thông trở lại ra môi trường nước mặt bên ngoài.

Hiện nay, Biwase có 4 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, gồm: Chi nhánh Nước thải Thủ Dầu Một (hoạt động từ năm 2013); Chi nhánh Nước thải Dĩ An (hoạt động từ năm 2018); Chi nhánh Nước thải Thuận An (hoạt động từ năm 2017); Chi nhánh Nước thải Tân Uyên (hoạt động từ năm 2019). Dù chỉ mới ở giai đoạn 1, nhưng hệ thống các nhà máy kể trên đã có công suất xử lý khá lớn (Thủ Dầu Một: 17.650m3/ngày đêm; Dĩ An: 20.000m3/ngày đêm; Thuận An: 17.000m3/ngày đêm; Tân Uyên: 15.000m3/ngày đêm).

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Vinh, Giám đốc Chi nhánh Nước thải Dĩ An, cho biết dù mới đi vào hoạt động 4 năm, nhưng hiện nay đội ngũ kỹ sư, chuyên viên, công nhân của chi nhánh đã rất vững vàng trong lĩnh vực xử lý nước thải. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, chi nhánh hiện đang góp phần cải thiện hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.Dĩ An, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, góp phần bảo vệ nguồn nước mặt ở các sông suối và nguồn nước dưới đất đang bị suy thoái trên địa bàn.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Dù đã đầu tư hệ thống nhà máy xử lý nước thải khá bài bản, quy mô từ sớm và tỉnh cũng đang có chính sách miễn 100% phí xử lý nước thải sinh hoạt, nhưng đến nay số lượng các hộ dân đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn. Khảo sát tại các địa phương phía nam của tỉnh cho thấy tỷ lệ hộ dân đấu nối đường ống nước thải sinh hoạt vào hệ thống thu gom, xử lý ở TP.Thủ Dầu Một chỉ mới đạt mức 55%, trong khi đó con số này ở TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Tân Uyên chỉ dao động ở mức từ 18 - 20%.

Lý giải cho việc này, đại diện các nhà máy xử lý nước thải cho biết dù phía Biwase đang hỗ trợ miễn phí 100% chi phí nhân công đấu nối, lắp đặt đường ống nước thải từ nhà dân ra hộp nước thải của khu vực và miễn phí dịch vụ xử lý nước thải, nhưng nhiều người vẫn còn mang tâm lý ngại thay đổi, sợ tốn kém khi mua vật tư đấu nối. Trong khi đó, một số người vẫn còn thói quen cũ, tư duy lối mòn nghĩ rằng đào hầm tự hoại nước thải sinh hoạt sẽ không gây ảnh hưởng gì tới mình nên vẫn dửng dưng và ngày đêm vô tư phát tán nguồn nước thải ô nhiễm, độc hại vào lòng đất.

Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết hiện nguồn tài nguyên nước dưới đất nói chung và nước ngầm nói riêng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ bị cạn kiệt và suy thoái. Ngoài việc tăng cường quản lý giúp việc khai thác, sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên này, các DN và người dân cần chung tay với chính quyền trong việc bảo vệ và gìn giữ. Theo ông Tân, để chất lượng nguồn nước dưới đất được bảo đảm, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trong việc đấu nối và sử dụng dịch vụ cấp - thoát nước. Việc này sẽ trực tiếp làm giảm số lượng các giếng khoan tự phát và nguy cơ suy thoái nguồn nước dưới đất.

BVMT sống là trách nhiệm của cộng đồng chứ không riêng gì chính quyền hay các DN chuyên trách. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và gìn giữ nguồn tài nguyên nước quý giá cho thế hệ mai sau, cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN, toàn dân tỉnh nhà cần chung tay, góp sức thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao. Theo đó, DN cần làm tốt vai trò gìn giữ, BVMT và tăng cường nhận thức của người lao động; người dân chấp hành, tuân thủ các quy định của Nhà nước về BVMT; cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục giám sát, đồng hành và vận động DN, người dân tuân thủ các quy định BVMT.

ĐÌNH THẮNG - KHÁNH VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1051
Quay lên trên