Bài 4: Nguyễn Hồng Anh Như - Truyền lửa cho các “thiên thần nhí”
“Công việc nào cũng có sự khó khăn, vất vả riêng. Điều quan trọng là bạn làm việc xuất phát từ tâm, từ lòng đam mê thật sự. Bản thân tôi, khi nhìn lại thành quả đạt được, đặc biệt hơn là khi nhận được những nụ cười hồn nhiên của các thiên thần nhỏ, tôi cảm thấy vui, có thêm nhiều động lực để bắt đầu một ngày mới”. Đó là những chia sẻ chân thành của biên đạo múa Nguyễn Hồng Anh Như - người đang “giữ và truyền lửa” cho các mầm non tại Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh.
Nguyễn Hồng Anh Như (hàng đầu) nhận bằng khen Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm Đông Nam bộ năm 2015
Có thể nói Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh là nơi để tài năng của Anh Như được ươm mầm, phát triển rồi đơm hoa kết trái. Tại đây, Như đã trải qua nhiều vai trò khác nhau, bắt đầu là một thành viên trong đội sinh hoạt chuyên, tới cộng tác viên, giáo viên và giờ là trưởng phòng nghiệp vụ. Nói về bất cứ vai trò nào, Anh Như cũng rạng ngời hạnh phúc. Hạnh phúc bởi cô biết mình đã chọn đúng con đường để đi.
Lúc nhỏ, tham gia sinh hoạt tại Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, Anh Như trở thành một trong những học trò cưng triển vọng của cô Thanh Loan và thầy Tấn Thông. Cùng với các bạn khác như Lục Vy, Thanh Hà, Nhật Phượng... đã tạo nên những sắc màu hết sức dễ thương tại các hội thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ, Búp sen hồng. Hầu như ở hội thi nào nhóm cũng “rinh” về những giải cao ở nhiều thể loại khác nhau như ca, múa, kể chuyện...
Dần trưởng thành từ quá trình sinh hoạt và cộng tác tại Nhà văn hóa thiếu nhi, đến năm 2000, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Anh Như chính thức đầu quân về làm việc tại đây. Nhiệm vụ đầu tiên Anh Như được giao là tiếp quản và gây dựng lại đội rối Họa Mi. Với sức trẻ, sự sáng tạo và niềm đam mê, Như đã thành công khi đưa nhiều chương trình nghệ thuật rối đi phục vụ các khán giả nhỏ ở khắp những huyện, thị trong tỉnh. Để phục vụ tốt cho công việc, Anh Như đã thu xếp công việc, vừa làm vừa học để nâng cao nghiệp vụ. Cô tốt nghiệp lớp trung cấp múa tại trường múa TP.Hồ Chí Minh năm 2003, rồi lớp cử nhân biên đạo trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 2007.
Với tính tình cởi mở, lòng nhiệt tình và sự nghiêm túc với nghề, trong quá trình công tác, biên đạo múa Anh Như nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ nhiều người như NSND Ứng Duy Thịnh, Hà Quốc Cường, Văn Tứ Quý và các em học trò trưởng thành từ Đội nghệ thuật Măng Non như: Ngọc Linh, Trúc Linh... Năm 2013, đoàn thiếu nhi Bình Dương để lại dấu ấn mạnh mẽ bằng một chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Liên hoan Búp sen hồng (Phú Yên). Người dàn dựng, biên đạo chương trình này không ai khác chính là biên đạo múa Anh Như.
Hiện nay, Anh Như là trưởng phòng nghiệp vụ Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh. Vừa qua, được sự đồng ý của Ban giám đốc, Anh Như đã thành lập nhóm “Giai điệu tuổi hồng”, quy tụ hơn 20 thành viên là học sinh, sinh viên ở các trường. Họ đều là những em đã trưởng thành từ chiếc nôi nhà văn hóa và có nguyện vọng trở lại tiếp tục phục vụ các em nhỏ.
Hè năm 2015, ngoài các chương trình thường niên đã lên kế hoạch trước, Như còn xây dựng chương trình chiến lược mang tên “Tiếng hát sơn ca”, đưa về các huyện, thị để tổ chức. Chương trình diễn ra từ tháng 6 đến tháng 12, nhằm phát hiện thêm những nhân tố mới để bổ sung vào đội nhóm chuyên tại nhà thiếu nhi trong thời gian tới.
Làm việc tập thể với người lớn đã khó và với thiếu nhi càng khó hơn, chúng tôi cũng đã có dịp cộng tác cùng Anh Như một vài chương trình trước đây mới hiểu được những khó khăn, vất vả của người đầu tàu. Thế nhưng, lúc nào tôi cũng thấy Anh Như cười thật tươi. Anh Như chia sẻ đó là nụ cười của sự hạnh phúc, mãn nguyện vì chị đang đi đúng con đường mà mình đã chọn.
Bài 5: Văn Tứ Quý - Tự hào là thế hệ tiếp nối
SONG ANH