“Nói không với bao nylon, ống hút nhựa” đang trở thành trào lưu được mọi người quan tâm, tham gia, ủng hộ. Trào lưu này đang tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thời gian gần đây, nhiều người rất đồng tình, ủng hộ việc các siêu thị Co.opmart, Aeon, Lotte... sử dụng lá chuối thay thế bao nylon để gói sản phẩm bán cho khách hàng. Một số quán, cơ sở kinh doanh cà phê, nước uống... ở TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một... cũng bắt đầu khuyến khích người mua hạn chế sử dụng ly nhựa. Trong khi đó, nhiều người đi chợ cũng bắt đầu ý thức hơn về tác hại của bao nylon; có không ít người đã trang bị cho mình một chiếc giỏ đi chợ để hạn chế sử dụng bao nylon đựng thực phẩm… Rõ ràng, qua truyền thông, báo chí, tác hại rác thải nhựa đã và đang được nhiều người nhận thức một cách đúng đắn.
Mỗi năm, Việt Nam xả ra đại dương 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới. Theo số liệu của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, vào năm 1990, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 3,8kg nhựa; 25 năm sau con số này đã tăng lên hơn gấp 10 lần (khoảng 41kg); mỗi một phút có đến 1.000 túi nylon được sử dụng và chỉ có 27% trong số này được xử lý và tái chế.
Rác thải nhựa, đặc biệt là túi nylon, mất đến ít nhất 100 năm để tự phân hủy. Do không được tái xử lý hoặc bị vứt bừa bãi, tại nhiều vùng biển trong cả nước, người dân luôn phải chứng kiến túi nylon dính đầy trên những cành cây, mỏm đá; rác thải nhựa trôi lềnh bềnh ở nhiều bãi biển hoặc bị chìm dưới nước. Tại một số vùng biển của Việt Nam, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá thì có một phần rác thải nhựa.
Thực tế trên cho thấy, tác hại lâu dài của rác thải nhựa là rất lớn. Chính vì thế, trào lưu “Nói không với bao nylon, ống hút nhựa” đang được nhiều người quan tâm, ủng hộ. Mong rằng, trào lưu này sẽ tác động rộng rãi đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp để góp phần đưa môi trường sống của chúng ta trở nên trong sạch, bền vững.
HOÀNG PHONG