Nông nghiệp công nghệ cao: Hướng đi đột phá của nông nghiệp Bình Dương - Kỳ 2

Cập nhật: 18-10-2017 | 08:07:50

Kỳ 2: Phát huy hiệu quả

 

Từ khi triển khai chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp (NN) theo hướng hiện đại hóa gắn với công nghiệp chế biến, NN kỹ thuật cao, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các khu NN công nghệ cao (CNC) và đã phát huy hiệu quả. Thành công của các khu NNCNC đã tạo sự lan tỏa trong việc áp dụng CNC của các trang trại (TT) trong chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh.

 Thành công từ các mô hình NN ứng dụng CNC đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Quy trình xử lý và đóng gói trứng gà tại TT chăn nuôi CNC Ba Huân (xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên). Ảnh: HOÀNG PHẠM

 Các mô hình mang lại thu nhập cao

Nói đến NNCNC tại Bình Dương trước tiên phải kể đến Khu NNCNC An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) làm chủ đầu tư. Đây được coi là mô hình tiên phong trong chương trình chuyển đổi và phát triển ngành NN của Bình Dương. Khu NNCNC An Thái có diện tích 411,75 ha, được chia ra nhiều phân khu, trong đó có hơn 380 ha sản xuất, trồng các loại cây ăn trái như chuối, cam, quýt, chanh, bưởi… Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm cho biết, công ty đã đầu tư 200 tỷ đồng vào khu NNCNC này để trồng kín 380 ha; gồm 340 ha cây ăn quả, 10 ha cây cảnh, 10 ha rau an toàn và 20 ha các loại cây trồng khác. Trong các loại cây ăn quả, có 180 ha chuối được trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Hàn Quốc; 140 ha cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP.

Từ khi thực hiện Chương trình số 26-Ctr/TU ngày 20-9- 2011 của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu NN theo hướng đô thị, NN kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011- 2015, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định. Cụ thể, năm 2013, giá trị sản xuất NN của tỉnh đạt 3.024 tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2012; năm 2014 tuy tỷ trọng ngành NN chỉ còn chiếm 3,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng giá trị sản xuất vẫn đạt 3.133 tỷ đồng, tăng 3,7%; năm 2015 tỷ giá trị sản xuất của NN đạt 3.256 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước...

Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất cùng quy trình sản xuất phù hợp, Khu NNCNC An Thái đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Unifarm. Cụ thể, đối với dưa lưới được trồng trên diện tích 3 ha cho doanh thu trung bình 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 1,5 tỷ đồng/ha/ năm; cà tím có 7 ha, cho doanh thu trung bình 400 triệu đồng/ ha/năm, lợi nhuận bình quân 200 triệu đồng/ha/năm; chuối già hương có 180 ha, cho doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 150 triệu đồng/ ha/năm.

Về chăn nuôi, TT chăn nuôi CNC Ba Huân do Công ty TNHH Ba Huân làm chủ đầu tư có diện tích 17,6 ha (tại xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên) được đánh giá là một trong những TT chăn nuôi hiện đại của tỉnh. TT được áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến của các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan... Các khâu từ vệ sinh, nguồn thức ăn đầu vào cho gia cầm cho đến chất lượng sản phẩm đầu ra được công ty kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả và tuyệt đối. Với quy mô 24.000 con gà giống, 401.000 con gà đẻ thương phẩm, mỗi ngày TT chăn nuôi CNC Ba Huân cung ứng cho thị trường 200.000 quả trứng sạch.

Về NNCNC, cũng phải kể đến TT hoa lan Mai Hoàng Liên của ông Mai Quốc Thái, với diện tích hơn 4 ha, tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Đây được xem là TT tiên phong trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào trồng cây cảnh tại Bình Dương. TT đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động theo chu kỳ được thiết lập để bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm và nguồn nước cho TT và đầu tư giàn đỡ, lưới che... với chi phí hàng tỷ đồng. Từ quy mô 0,25 ha (năm 2010) với 48.600 chậu, đến năm 2011 TT đã được mở rộng lên 2 ha với 388.800 chậu và đến nay diện tích đã đạt hơn 4 ha với hơn 750.000 chậu. Ông Thái cho biết, năm 2012 là giai đoạn TT phát triển mạnh về quy mô để đáp ứng nhu cầu của thị trường cả về hoa lan dendrobium cắt cành và bán chậu. Ngoài ra, TT còn trồng thêm các loại hoa lan mới để cung ứng cho thị trường. Doanh thu hàng năm từ TT đạt khoảng 2 tỷ đồng.

Lan tỏa mạnh mẽ

Thành công từ các mô hình NN ứng dụng CNC trong sản xuất đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng CNC vào sản xuất của các TT, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, trong đó có các mô hình NN đô thị ứng dụng CNC.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 900 TT. Các TT chủ yếu tập trung ở các huyện phía bắc của tỉnh như huyện Dầu Tiếng (281 TT), huyện Phú Giáo (189 TT), huyện Bắc Tân Uyên (121 TT)… Trong số này có nhiều TT, mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất, như huyện Phú Giáo có 33 mô hình sản xuất NNCNC trong trồng trọt, 45 mô hình CNC trong chăn nuôi; huyện Bàu Bàng có 70 TT ứng dụng CNC trong chăn nuôi và 9 TT ứng dụng CNC trong trồng trọt.

Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, thực hiện chủ trương của huyện trong phát triển NN, nhiều TT, hộ gia đình trên địa bàn đã áp dụng CNC vào sản xuất. Ngoài các TT lớn có nguồn thu từ 1,5 - 10 tỷ đồng mỗi năm như TT bưởi Thanh Thủy, TT quýt đường Chín Phấn, TT heo lạnh Nguyễn Văn Tạo… các mô hình ứng dụng NNCNC như trồng nấm, hoa lan, trồng tre lấy măng… trên địa bàn huyện cũng cho thu nhập trung bình hàng năm từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Tại huyện Phú Giáo, ngoài Unifarm và khu NNCNC chăn nuôi bò sữa tại xã Phước Sang, mô hình ứng dụng CNC cũng được các hộ gia đình áp dụng vào sản xuất NN. Bà Vũ Thị Huê, ở ấp Cà Na, xã An Bình cho biết, nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng thực phẩm NN sạch, an toàn của thị trường trong và ngoài tỉnh, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để trồng cây dưa lưới áp dụng CNC. Tuy đây là mô hình mới triển khai trên địa bàn xã An Bình nhưng cũng có nhiều người đến tham quan và một số khách hàng đã đặt mua dưa lưới của gia đình bà.

Trong khi đó, với việc áp dụng phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt theo công nghệ của nước ngoài trên diện tích 2 ha, mỗi năm TT trồng cà chua của ông Nguyễn Văn Đẹp, ở xã Phú An, TX.Bến Cát mang về lợi nhuận cả tỷ đồng. Cây cà chua được ông trồng cách ly tuyệt đối với môi trường bên ngoài và tưới nước, bón phân bằng hệ thống tự động. Mỗi năm, TT của ông sản xuất hai vụ, năng suất bình quân đạt 150 tấn/ha/vụ. Với chất lượng tốt, hình thức đẹp, giá cà chua ông bán ra ổn định khoảng 15.000 đồng/kg.

 Kỳ 3: Nâng tầm giá trị nông nghiệp công nghệ cao

HOÀNG PHẠM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=667
Quay lên trên