Ô nhiễm không khí ở Thượng Hải buộc người dân nơi đây ra đường phải đeo khẩu trang
Nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Rob Beelen thuộc ĐH Utrecht (Hà Lan) đã phân tích 22 nghiên cứu trước đó, theo dõi sức khỏe của 367.000 người ở 13 nước Tây Âu trong suốt 14 năm qua. Trong giai đoạn nghiên cứu 29.000 người đã qua đời.
Nhóm của giáo sư Beelen tính toán tác động của ô nhiễm không khí đối với những cái chết này sau khi loại trừ các yếu tố khác như thói quen hút thuốc, hoạt động thể chất... Và họ phát hiện hạt bụi PM2,5 có khả năng xâm nhập phổi là một thủ phạm nguy hiểm.
Nhóm nghiên cứu xác định tỉ lệ chết sớm tăng 7% cứ mỗi khi tỉ lệ hạt bụi PM2,5 trong 1 m3 không khí tăng 5mg. Liên minh châu Âu (EU) quy định mức PM2,5 tối đa là 25 mg/m3. Tuy nhiên ở cả những khu vực ô nhiễm không khí thấp hơn mức này, hiện tượng chết sớm vì ô nhiễm không khí vẫn xảy ra.
Giáo sư Beelen cho rằng EU cần phải siết chặt các quy định về ô nhiễm không khí và áp dụng quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là giới hạn 10 mg/m3.
Trong thời gian qua, hàng loạt thành phố Trung Quốc chìm trong khói bụi. Tỉ lệ PM2,5 thường cao tới trên 300 mg/m3.
(Theo TTO)