Là địa phương có số
lượng làng nghề truyền thống tập trung nhiều, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú,
đặc sắc, được du khách khắp nơi biết đến cũng như phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu
dùng nội địa và xuất khẩu, Bình Dương có lợi thế lớn trong việc phát triển du lịch
làng nghề truyền thống…
Du khách nước ngoài
tham quan phòng trưng bày sản phẩm sơn mài truyền thống tại cơ sở sơn mài Định
Hòa (TP.TDM). Ảnh: HUY BÌNH Lợi thế vốn có Bình Dương là tỉnh có nhiều làng nghề thủ công truyền thống
từ khá lâu đời, với các ngành nghề nổi tiếng như gốm sứ, sơn mài, gỗ điêu khắc.
Đã từ rất lâu, những sản phẩm này đã trở thành hàng hóa được thị trường ưa chuộng.
Hàng thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề truyền thống tại Bình Dương có nhiều chủng
loại, mẫu mã phong phú và đa dạng. Trong đó, nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao,
mang đậm tính văn hóa truyền thống Việt Nam, đã đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu
của khách hàng trong và ngoài nước. Đặc biệt ngoài việc mang lại thu nhập kinh
tế cao, giải quyết công ăn việc làm cho người dân lao động, các làng nghề truyền
thống nơi đây đang trở thành những địa chỉ quen thuộc của du khách trong và
ngoài nước.
Hiện nay, cả nước có hơn 2.000 làng nghề có bề dày lịch
sử và gắn liền với văn hóa của những vùng, miền với hệ thống di tích và truyền
thống riêng; trong đó có đến hơn 1.000 ngành, nghề truyền thống đã và đang được
các thế hệ nghệ nhân tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị. Riêng tại Bình Dương hiện có khoảng 32 làng nghề với
9 nghề truyền thống như sản xuất gốm sứ, sơn mài, gỗ điêu khắc… có thể kể đến
như: Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm Tân Phước Khánh, làng gốm Lái
Thiêu, các làng nghề chạm, điêu khắc…Tại hội thảo “Làng nghề và phát triển - Trao đổi kinh nghiệm
với Bình Dương” vừa được tổ chức, ông Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch cho biết: Xác định được tầm quan trọng của du lịch làng nghề
trong phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà, trong thời gian qua ngành du lịch
Bình Dương đã có nhiều nỗ lực nhằm gìn giữ, bảo tồn và khai thác các làng nghề
truyền thống gắn với phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng,
chỉnh trang và phát triển làng nghề nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách đến
tham quan… Thật vậy, công tác khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng
nghề truyền thống ở Bình Dương như sơn mài, gốm sứ, gỗ điêu khắc… để gắn với
phát triển du lịch đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển
của ngành du lịch tỉnh. Đã có nhiều hoạt động, định hướng liên quan đến việc bảo
tồn và phát triển du lịch làng nghề truyền thống được tổ chức, có thể kể đến
như: Tổ chức Festival Gốm sứ Việt Nam - Bình Dương năm 2010 lần thứ nhất; tổ chức
các tour famtrip nhằm tiếp thu ý kiến đánh giá, góp ý khách quan của du khách về
ưu - khuyết điểm của làng nghề truyền thống; làm đĩa phim giới thiệu về du lịch
Bình Dương trong đó có các làng nghề truyền thống; mở các gian hàng trưng bày
các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các ngày hội du lịch, Festival ở nhiều nơi…
nhằm quảng bá, thu hút du lịch đến với các làng nghề. Khó khăn cần tháo gỡ Bên cạnh những lợi thế, việc khôi phục, bảo tồn và phát triển
các làng nghề truyền thống nhằm mục đích gắn kết để phát triển du lịch trên địa
bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, cần được quan tâm tháo gỡ. Bà Võ Thị Anh Xuân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh
cho biết, hiện nay việc tham quan du lịch làng nghề ở Bình Dương đa số phát triển
theo kiểu tự phát. Chủ yếu từ các công ty lữ hành đứng ra xây dựng điểm đến để
phục vụ du khách tham quan, mua sắm, vì vậy luôn thiếu tính đồng bộ và phục vụ
chưa mang tính chuyên nghiệp ở các điểm phục vụ du khách…
Làng gốm Tân Phước
Khánh (Tân Uyên), một trong những làng nghề thủ công truyền thống lâu đời tại
Bình Dương. Ảnh: HUY BÌNHTrên thực tế, bên cạnh nguyên nhân trên vẫn còn nhiều lý do
khiến du lịch làng nghề kém thu hút như: Nhiều mặt hàng truyền thống độc đáo sản
xuất thủ công tại các làng nghề chưa được chú ý để đầu tư thích đáng, chưa đủ sức
hấp dẫn đối với du khách. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các làng nghề
thiếu một đội ngũ sáng tác, thiết kế các mẫu mã chuyên nghiệp và đội ngũ thuyết
minh viên hoạt bát để giới thiệu về lịch sử phát triển làng nghề và các sản phẩm
thủ công truyền thống ở Bình Dương. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
chưa được hỗ trợ đúng mức cũng là vấn đề cần quan tâm, khi hầu hết cơ sở hạ tầng
của các làng nghề còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng tốt cho việc kinh doanh du lịch.
Cùng với đó là công tác tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách
du lịch và xây dựng các chương trình tour, tuyến du lịch làng nghề, nhiều tài
nguyên du lịch chưa được quan tâm khai thác đúng mức… PGS - TS Huỳnh Quốc Thắng-trường
Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM cho biết thêm tại hội thảo. Việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với du lịch
được xem là một trong những lợi thế lớn của ngành du lịch tỉnh. Nếu khắc phục
được những khiếm khuyết trên, trong tương lai, du lịch làng nghề tại Bình Dương
nhiều khả năng sẽ phát triển mạnh. Và kéo theo đó, sản phẩm của làng nghề sẽ được
tiếp cận nhiều hơn với khách du lịch trong và ngoài nước, song song cũng sẽ giải
quyết được việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần phát triển
ổn định làng nghề. Kỳ 2: Hướng đi cho
phát triển du lịch làng nghề BÌNH MINH - TRUNG
NAM