Kỳ 3: Nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động
Với mục tiêu giúp người dân tiếp cận nhanh nhất dịch vụ y tế, các trạm y tế lưu động (TYTLĐ) tại các địa phương thời gian qua đã hoạt động liên tục 24/24 giờ giúp cho hàng ngàn F0 bình phục, khỏe mạnh. Đây là mô hình sáng tạo không chỉ giúp người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất từ tuyến cơ sở mà còn giúp Bình Dương nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh nên cần được nhân rộng và thực hiện bài bản hơn.
Cán bộ TYTLĐ phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên thăm, khám và phát thuốc cho F0 cách ly điều trị tại nhà
Đáp ứng nhanh nhất yêu cầu y tế
Bà Nguyễn Thị Năm, khu phố Bình Thuận, phường Thuận Giao, TP.Thuận An phát hiện dương tính trong buổi test nhanh ở khu phố. Qua khám sàng lọc, cán bộ TYTLĐ tại đây xác định bà Năm hội đủ 2 điều kiện (mức độ bệnh nhẹ và có khả năng tự chăm sóc bản thân) nên quyết định cho bà Năm cách ly y tế điều trị tại nhà. Nhận kết quả dương tính bà Năm rất hoang mang, lo lắng một mực đòi y tế phường chuyển lên tuyến trên điều trị. Sau khi được cán bộ y tế giải thích, bà Năm hiểu rằng bản thân bị F0 nhưng triệu chứng ở mức độ nhẹ (không có dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy) lại không có bệnh nền, không béo phì, không mang thai, tuổi dưới 50, minh mẫn, bản thân có khả năng tự dùng thuốc theo đơn bác sĩ, tự vệ sinh cá nhân, có khả năng sử dụng điện thoại tốt để liên hệ với cơ quan y tế và đặc biệt đã tiêm mũi 1 vắc xin ngừa Covid-19. Được cán bộ TYTLĐ hướng dẫn, tận tình cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại nhà nên bà an tâm điều trị. Hiện nay, bà đã hết bệnh và bình phục hoàn toàn.
Hay trường hợp ông Đặng Văn Trúc, ở phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên. Sau 3 ngày cách ly, điều trị tại nhà, đến tối ngày thứ 4, ông Trúc có dấu hiệu trở nặng, như: Khó thở, thở hụt hơi, đo nhịp thở 25 lần/phút, mạch nhanh, huyết áp thấp, thường xuyên đau tức ngực, cảm giác bó thắt ngực… Ông Trúc gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng TYTLĐ phường thì được chở vào cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Theo ông Trúc, việc thành lập các TYTLĐ đã hỗ trợ rất kịp thời cho người dân.
Đây chỉ là 2 trong hàng ngàn trường hợp F0 cách ly điều trị tại nhà được TYTLĐ phân loại, sàng lọc, chuyển tuyến, hỗ trợ điều trị. Hai địa phương có số lượng F0 cao của tỉnh là TP.Thuận An và TX.Tân Uyên đã được bao phủ bởi 47 TYTLĐ. Trong tình hình thiếu nhân lực với chỉ 22 bác sĩ, 88 nhân viên, tình nguyện viên nhưng 47 TYTLĐ này hoạt động hết công suất và đã theo dõi, chăm sóc 1.036 F0, cấp phát thuốc cho 2.773 F0 tại nhà, tư vấn sức khỏe cho 6.471 trường hợp và sơ cứu chuyển viện 345 trường hợp nặng.
Nhân rộng mô hình
Từ hiệu quả của mô hình TYTLĐ tại các “vùng đỏ đậm đặc” cho thấy sự nhạy bén, sáng tạo của các cấp lãnh đạo đã giúp người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất ngay từ tuyến cơ sở. Mô hình cũng khẳng định chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh “lấy xã phường là pháo đài chống dịch, người dân là chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” là hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay của Bình Dương và cả nước nói chung. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, Thường trực Tỉnh ủy chủ trương bao phủ hoạt động TYTLĐ không chỉ ở “vùng đỏ”, “điểm đỏ”, “vùng vàng” mà mở rộng cả những “vùng xanh”. Chỉ trong khoảng 1 tuần, toàn tỉnh bao phủ 142 TYTLĐ tại các khu dân cư, cụm công nghiệp.
Đánh giá về mô hình TYTLĐ, tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, nhờ hoạt động có hiệu quả của TYTLĐ, nhiều F0 cách ly tại nhà đã vững tin tự điều trị, vượt qua bệnh Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng tham gia TYTLĐ còn yếu, thiếu; có nhân viên phải làm việc liên tục từ sáng đến đêm khuya vừa tư vấn sức khỏe, vừa tiếp nhận, xử lý các yêu cầu hỗ trợ từ các F0 đến việc cấp phát thuốc theo dõi sức khỏe tại nhà, chuyển viện, thực hiện xét nghiệm, tiêm vắc xin nên rất áp lực và quá tải. Trang thiết bị vật tư y tế còn hạn chế như thiếu bình oxy loại 5kg, khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho các bệnh nhân chăm sóc F0 tại nhà.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới ngành y tế sẽ tập hợp nhân lực, thiết lập chung thành hệ thống, đẩy mạnh mua sắm vật tư y tế, thuốc, bình oxy, máy tạo oxy, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính. Về nhân lực, trước mắt có nguồn cán bộ quân y hỗ trợ phối hợp cùng địa phương vận hành, nhưng về lâu dài cần có sự đào tạo tại chỗ. Hiện sở đã giao cho trường Cao đẳng Y tế và trường Y thuộc Tổng Công ty Becamex IDC đào tạo nguồn nhân lực để tiếp tục vận hành TYTLĐ khi lực lượng quân y hoàn thành nhiệm vụ.
Do đặc điểm của Bình Dương có nhiều khu, cụm công nghiệp nên lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở phải thành lập mạng lưới TYTLĐ trong khu, cụm công nghiệp cho người lao động. Trên tinh thần không cầu toàn, vừa làm vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm, tỉnh thống nhất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng 1.300 nhân lực y tế, trong đó có 600 cán bộ, nhân viên cho TYTLĐ. Trên cơ sở này, ngành y tế xây dựng chính sách đặc biệt cho trạm, đầu tư trang thiết bị y tế, tổ chức lại nhân lực từ 4 nguồn công lập, tư nhân, cán bộ về hưu và tình nguyện viên. Chậm nhất đến ngày 30-9, phải bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 TYTLĐ và mở rộng thêm giường bệnh tại trạm y tế hiện hữu; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động để vừa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, vừa phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; chậm nhất đến ngày 31-10 các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải được bao phủ TYTLĐ.
KIM HÀ