Khoa học - công nghệ (KHCN) được coi là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp (DN) phát triển, khẳng định thương hiệu. Thời gian qua, bên cạnh việc DN tự đầu tư phát triển KHCN thì Nhà nước cũng đã ban hành nhiều quy định, chính sách… tạo điều kiện cho DN có nguồn lực để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại.
Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển KHCN của nhà nước sẽ tạo điều kiện cho DN có nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại. Trong ảnh: Dây chuyền nhúng men tự động cho các sản phẩm sứ của Công ty TNHH Minh Long I Ảnh: KHÁNH ĐĂNG
Ban hành cơ chế, chính sách mới
Thực hiện chủ trương của Đảng là đưa KHCN trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới có tính đột phá để đẩy mạnh phát triển KHCN. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã có Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đối với Chính phủ, đã ban hành Nghị định số 80/2007 về DN KHCN… Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg về chương trình phát triển thị trường KHCN đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp tại Quyết định số 592/QĐ-TTg về chương trình hỗ trợ phát triển DN KHCN, tổ chức KHCN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Qua các quyết định này cho thấy đã có quan điểm và cách tiếp cận mới có tính đột phá. Cụ thể như thực hiện kết nối hệ thống các tổ chức dịch vụ và các tổ chức trung gian của thị trường KHCN trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế; xây dựng các khu ươm tạo DN KHCN, DN công nghệ cao… Đối với Bình Dương, trong thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển KHCN. Cụ thể như Kế hoạch 3191/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Chương trình hành động của Tỉnh ủy; Quyết định 2177/QĐ-UBND về quy định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KHCN có sử dụng nguồn ngân sách trên địa bàn tỉnh… Ngoài các chính sách trên, tỉnh còn triển khai chính sách hỗ trợ việc cấp phát kinh phí nhiệm vụ KHCN thông qua Quỹ phát triển KHCN tỉnh, cũng như có các chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN theo quy định đối với các DN KHCN.
Cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp
Theo Bộ KHCN, ước tính đến nay trong cả nước mới chỉ công nhận được khoảng trên 100 DN KHCN. Số lượng DN KHCN được công nhận có phân bố không đồng đều, quy mô nhỏ là chủ yếu; trong khi đó các DN làm ăn tốt chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực giống nông nghiệp, chế biến dược liệu… Tại Bình Dương, chỉ có một số DN được công nhận là DN KHCN như Công ty TNHH Minh Long I, Công ty TNHH Kỹ nghệ nhiệt và Môi trường Caxe, Công ty TNHH Thiên Dược… Có một thực tế là hiện nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã không thành lập hoặc không sử dụng (nếu có sử dụng thì cũng hạn chế) nguồn lực từ Quỹ phát triển KHCN để tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ. Nhiều chủ DN cho rằng, do các quy định ngặt nghèo về sử dụng, quyết toán quỹ… nên họ khó tiếp cận hoặc không mặn mà với nguồn quỹ này. Ngoài ra, việc công nhận kết quả nghiên cứu còn bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật, như việc giới hạn về ngành nghề hoặc sản phẩm tạo ra từ ngành nghề đó ở lĩnh vực công nghệ cao là chưa hợp lý. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I (TX.Thuận An), cho biết theo Quyết định 49/2010/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển gồm công nghệ sản xuất gốm sứ kỹ thuật cao cấp cho công nghiệp điện, điện tử, chế tạo máy; công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp, nhưng đến năm 2014 đã thay đổi danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển (theo Quyết định 66/2014/QĐ-TTg), trong đó lại không có công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp. Do đó, Minh Long gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, cải tiến máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, vì không phải DN nào cũng đủ nguồn lực để đầu tư cho KHCN. Để đẩy mạnh phát triển KHCN, các DN trên địa bàn tỉnh cho rằng cần có những giải pháp vận dụng phù hợp với thực tiễn, đồng thời cải cách thủ tục để DN có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và nguồn hỗ trợ khác… nhằm đổi mới công nghệ, ứng dụng KHCN vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Theo ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&CN, sở đã tiếp thu kiến nghị của các DN, địa phương để có phương án điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Đối với chính sách ưu đãi về thuế cho những DN KHCN, thuế thu nhập DN khi sử dụng Quỹ phát triển KHCN, tới đây sẽ được Cục Thuế hướng dẫn, giải thích cụ thể cho DN và có phương án giải quyết phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của DN, cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.
Khánh Đăng