Trước đây, vườn cây ăn trái Lái Thiêu luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh khi đến Bình Dương. Hiện nay, điểm đến này đang dần vắng khách. Để tìm lại thời “hoàng kim” cho vùng đất này, các ngành chức năng, UBND tỉnh đã đưa ra đề án, chính sách quy hoạch, phát triển, cải tạo vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái.
Du khách tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn cây ăn trái Lái Thiêu
Nhớ thời “hoàng kim”
Chị Nguyễn Thị Thế, chủ vườn cây tham quan nghỉ mát 99 (phường Hưng Định, TX.Thuận An), nhớ lại, mỗi năm cứ vào dịp mùng 5-5 (Tết Đoan Ngọ), bà con nhà vườn ở Cầu Ngang (phường Hưng Định) lại háo hức chuẩn bị đón khách tham quan. Họ thả hồn với vườn cây trĩu quả và thưởng thức trái cây, món ăn đặc sản, như: gỏi gà măng cụt, gà nướng sầu riêng, cá lóc nướng… 10 năm trở lại đây, bà con trong vùng không được đón Tết Đoan Ngọ sôi động như xưa. Lý do được bà Thế đưa ra đó là diện tích cây ăn trái ngày càng sụt giảm, giá cả không ổn định; du khách sợ bị “chặt chém”, hoặc do “cò” làm khó dễ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dội, ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, gia đình nhiều năm gắn bó với nghề trồng cây ăn trái với hơn 5.000m2 đất. Vườn ông chủ yếu trồng măng cụt, dâu xiêm, bòn bon, sầu riêng. Ông Dội cho biết, khoảng từ năm 1970 đến năm 2000, gia đình nào ở đây có vườn cây ăn trái thì cuộc sống rất sung túc. Khi mùa trái chín, khách thập phương đến rất đông, trái cây không kịp chín để cung cấp cho khách. Nhờ đó mà đời sống người dân luôn ổn định, đây cũng là dịp giới thiệu cái hay, cái đẹp của đất và người Bình Dương cho du khách biết.
Đối với một số hộ mới trồng cây ăn trái khi nghe về những năm tháng “hoàng kim” của vườn cây ăn trái Lái Thiêu gắn với du lịch họ rất mong “ngày ấy” sẽ nhanh chóng quay về. Họ hy vọng các ngành chức năng sẽ có những cách làm hay, riêng nhà vườn hứa tiếp đón khách nhiệt tình, bán đúng giá niêm yết để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.
Tìm lại “ngày ấy”
Làm sao để thu hút khách du lịch đến với vườn cây ăn trái Lái Thiêu? Ngành văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) cũng đã đề ra nhiều giải pháp gắn du lịch sinh thái với phát triển vườn cây ăn trái, kích cầu du lịch nội địa. Đối với vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn về phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn cho các hộ nhà vườn. Sở VH-TT&DL xây dựng Đề án “Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó vườn cây ăn trái Lái Thiêu là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù; tham mưu tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín” thu hút du khách thập phương.
Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh biên soạn, xuất bản Cẩm nang và Bản đồ Du lịch Bình Dương, xây dựng và vận hành website Du lịch Bình Dương (www.dulichbinhduong.org. vn); tham gia cung cấp thông tin du lịch Bình Dương tại các hội chợ du lịch do Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành tổ chức... Qua đó, đã góp phần quảng bá, xúc tiến và giới thiệu hình ảnh du lịch Bình Dương, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử đến đông đảo người dân cũng như du khách.
UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 2303/QĐ-UBND về “Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó quy hoạch không gian phía Nam gồm: TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An và một phần của TX.Bến Cát. Sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cuối tuần, du lịch nghỉ dưỡng… Khu vực ưu tiên đầu tư vườn cây ăn trái Lái Thiêu và ven sông Sài Gòn. Song song đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 106/2007/QĐ-UBND về một số chính sách hỗ trợ nhằm phục hồi vùng cây ăn trái đặc sản Thuận An giai đoạn 2008-2012. Chính sách hỗ trợ đã tạo động lực cho người dân đầu tư chăm sóc và khôi phục lại vườn cây ăn quả đặc sản đã già cỗi, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và tạo mảng xanh cho vùng Thuận An. Để tiếp tục khôi phục lại vườn cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 19/2012/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2013-2016. Trên cơ sở đó UBND tỉnh ban hành Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND quy định về một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016. Qua hội nghị tổng kết 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND, số hộ và diện tích được hỗ trợ đều tăng qua các năm cũng như năng suất, chất lượng các vườn cây ngày càng nâng cao so với trước khi thực hiện chính sách, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tiếp tục duy trì, phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương phù hợp với quy hoạch phát triển ngành nông - lâm - ngư nghiệp tỉnh gắn với việc bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa - du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các vùng nông nghiệp đô thị và nông nghiệp truyền thống của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định về chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2021. Qua đó nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái của tỉnh, góp phần thu hút du khách đến Bình Dương trong thời gian tới.
T.LÝ