Cùng với mục tiêu xây dựng nông thôn mới thì việc tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt cụ thể, rõ ràng về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là điều mà Sở Tư pháp và Hội Nông dân các cấp đã chú trọng trong nhiều năm qua. Từ những chương trình này đã giúp người nông dân tự trang bị kiến thức pháp luật và vận dụng vào cuộc sống.
Lễ ra mắt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật xã An Sơn (TP.Thuận An)
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, trang bị tủ sách pháp luật... là những phần việc luôn được các ngành hữu quan chú trọng thực hiện. Hàng năm, Sở Tư pháp đã ban hành và tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ các chương trình, kế hoạch trọng tâm liên quan đến hoạt động của ngành, của tỉnh, trong đó có tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho nông dân trong tỉnh.
Theo kết quả đánh giá 5 năm qua của Sở Tư pháp, công tác chỉ đạo điều hành có sự đổi mới, tạo chuyển biến tích cực, bám sát chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của ngành và thực tiễn của cơ sở. Công tác soạn thảo, thẩm định, góp ý văn bản ngày càng được nâng cao... Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý có nhiều đổi mới, chuyển biến rất rõ nét. Việc phối hợp với các ngành, các cấp chặt chẽ và đồng bộ hơn; nhiều hình thức mới được triển khai, áp dụng như ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến nhân dân trên địa bàn ngày càng hiệu quả hơn.
Với Hội Nông dân tỉnh, theo ông Phạm Văn Lời, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, việc triển khai phổ biến pháp luật được thực hiện qua phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được nhiều người hưởng ứng nhiệt tình. Các cấp hội đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Hội Nông dân các cấp còn tích cực tuyên truyền vận động hội viên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là các khu nhà trọ; tổchức vệsinh các tuyến đường do Hội Nông dân quản lý. Các cấp hội đã tham gia xây dựng được 136 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn.
Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp các ngành tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng các tổ hội vừa là tổ tự quản, đồng thời vừa là tổ an ninh, hòa giải ở khu phố, ấp. Hội đã phát động toàn dân đoàn kết tham gia xây dựng các mô hình về phòng, chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội.
Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 50.000 hội viên Hội nông dân tham gia sinh hoạt ở 82 cơ sở hội với 434 chi và 1.027 tổ hội. Trong đó có 3.088 hội viên tham gia 2.521 tổ nhân dân tự quản. Các hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật ”, “Tuyên truyền viên giỏi về bảo vệ môi trường”, “Cán bộ hội quản lý giỏi các nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân”... cũng là những hoạt động liên quan đến công tác phổ biến pháp luật mà nông dân đã tham gia rất nhiệt tình trong 5 năm qua.
Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân, bà con dân tộc thiểu số là vấn đề cần được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú và đa dạng, phù hợp với đối tượng đặc thù, điều kiện thực tiễn của từng ngành, địa phương. Sở Tư pháp cũng như các cấp Hội Nông dân đã tổ chức triển khai, tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, báo, đài, mạng internet, các hội thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng tiểu phẩm pháp luật, tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp khu phố, ấp, sinh hoạt các câu lạc bộ là những cách làm hay, hiệu quả trong thời gian qua.
QUỲNH NHƯ