Theo các chuyên gia y tế, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng thấp hơn so với người lớn, nhưng trẻ em có thể bị nhiễm vi rút gây ra bệnh Covid-19. Do đó, hoạt động tiêm vắc xin cho trẻ đang được đẩy mạnh tại các địa phương trong tỉnh.
Trẻ em mắc Covid-19 nhẹ hơn người lớn
Theo thống kê đến ngày 14-11, toàn tỉnh đang điều trị tại cơ sở y tế cho 3.763 bệnh nhân, trong đó có 222 trẻ em dưới 15 tuổi. Số trẻ đang điều trị tầng 1 là 144 trẻ, tầng 2 là 36 trẻ và tầng 3 là 48 trẻ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Hội, Giám đốc Bệnh viện hồi sức cấp cứu Bình Dương, cho biết vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em nhưng trẻ em ít gặp hơn. Trẻ em mắc Covid-19 thường ở thể nhẹ, tỷ lệ nhập viện và tử vong ít hơn so với người lớn. Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng, nhẹ chiếm 55% tổng số bệnh nhân nhi nhập viện với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa, 44% bệnh nhân trung bình, 4% bệnh nhân nặng và nguy kịch chỉ 0,5%. Ở trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng tuổi) có nguy cơ cao diễn tiến nặng. Hội chứng viêm hệ thống đa cơ quan ở trẻ mắc Covid-19 hiếm gặp, xảy ra chủ yếu ở 2 - 6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2, nhưng thường diễn tiến nặng và có thể gây tử vong. Khi trẻ mắc Covid-19 thường trong giai đoạn từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ hết dần các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em tại TP.Thủ Dầu Một
Hiện các nhà khoa học đã hiểu hơn về vi rút SARS-CoV-2 (từ cách lây chuyền, cơ chế gây bệnh) nên đã đưa ra được những biện pháp điều trị, như: Thuốc diệt vi rút, ngăn chặn cơn bão cytokine, điều trị biến chứng huyết khối… Tuy nhiên, việc điều trị bệnh nhân vẫn hết sức khó khăn và các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu. Biện pháp phòng bệnh Covid-19 cho trẻ đóng vai trò quan trọng. Để giảm tỷ lệ mắc và tử vong là tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế kết hợp với tiêm vắc xin cho trẻ và phân tầng điều trị ca bệnh phù hợp với mức độ của bệnh.
Đề cập đến các triệu chứng lâm sàng ở trẻ mắc Covid-19, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết trẻ mắc bệnh Covid-19 có thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày, trung bình là 4 - 5 ngày. Khởi phát khi có một hay nhiều triệu chứng, như: Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mất vị giác... Hầu hết trẻ chỉ bị viêm đường hô hấp trên với sốt nhẹ, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi hay viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 - 2 tuần. Khoảng 2% trẻ có diễn tiến nặng, thường vào ngày thứ 5 - 8 của chu kỳ bệnh. Trong đó, một số trẻ cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biến chứng nặng như hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và hội chứng viêm đa hệ thống. Các yếu tố tiên lượng nặng trẻ béo phì, trẻ chậm phát triển, bại não, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, tim bẩm sinh... Tỷ lệ tử vong ở trẻ rất thấp (< 0,1%), hầu hết tử vong do bệnh nền. Ngoài ra, trẻ đẻ non, cân nặng thấp, béo phì, thừa cân, đái tháo đường… cũng là những yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng ở trẻ mắc Covid-19.
Thực hiện nghiêm phòng bệnh cho trẻ
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng thấp hơn so với người lớn, nhưng trẻ em có thể bị nhiễm vi rút gây ra bệnh Covid-19 với các biến chứng ngắn hạn hoặc lâu dài do Covid-19 và có thể lây truyền bệnh cho những người khác. Tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên diện rộng là công cụ vô cùng quan trọng để bảo vệ tốt nhất cho mọi người, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong. Những người được tiêm chủng đầy đủ có thể quay lại những hoạt động mà họ đã làm trước đại dịch một cách an toàn
Ghi nhận thực tế ở một số địa phương cho thấy vẫn còn một số người dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, một số người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin xuất hiện tâm lý chủ quan, cho rằng bản thân sẽ miễn nhiễm với Covid-19, không thực hiện nghiêm các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh, nhất là khuyến cáo “5K” và đã có những trường hợp dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn trở thành F0, là nguồn lây bệnh cho người khác.
Lý giải về thực tế này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết vắc xin ngừa Covid-19 đã được thế giới công nhận lợi ích và hiệu quả. Vắc xin giúp bảo vệ bản thân người được tiêm khỏi nhiễm bệnh nhưng nếu không may mắc bệnh thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, giảm tỷ lệ nằm viện, tử vong và giảm khả năng lây nhiễm cho người xung quanh. Hiện không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Một số người đã tiêm vắc xin có thể không bị mắc bệnh, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi rút và lây bệnh cho người khác. “Chính vì vậy, các chuyên gia đặc biệt khuyến cáo dù người đã được tiêm đủ cả 2 mũi vắc xin vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trên nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Ngay cả khi mọi người dân đều được tiêm vắc xin thì cũng chỉ là cách tạo miễn dịch cộng đồng, chứ không thể tiêu diệt được vi rút SARS-CoV-2”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu nói.
HOÀNG LINH