Phòng bệnh tay chân miệng: Quan trọng là giữ gìn vệ sinh

Cập nhật: 24-06-2019 | 09:17:13

Trong khi bệnh sốt xuất huyết đang giảm thì bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn còn tăng. Dù đang trong kỳ nghỉ hè, không phải mùa cao điểm nhưng lượng bệnh ghi nhận trong những ngày đầu tháng 6-2019 chưa giảm. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo cần tăng cường giữ gìn vệ sinh cho trẻ để việc phòng bệnh đạt hiệu quả cao.

 Bệnh vẫn còn tăng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 780 ca bệnh TCM, không có ca tử vong (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước). Những địa phương có ca bệnh tập trung nhiều, như: TX.Thuận An với 267 ca, TX.Dĩ An 184 ca, TP.Thủ Dầu Một 98 ca, TX.Tân Uyên 91 ca và TX.Bến Cát 65 ca... Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho rằng đây là những địa phương tập trung đông công nhân lao động và rất nhiều con em của họ theo học trong những nhóm nhà trẻ có điều kiện vệ sinh chưa tốt. Đó chính là môi trường thuận lợi để bệnh TCM xuất hiện, lây lan từ trẻ này sang trẻ khác.


Cộng tác viên y tế đến tận nhà dân phát tờ rơi, hướng dẫn cho người dân về phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ

Bệnh TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không bảo đảm. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 10. Dù hiện nay không phải thời điểm cao điểm, học sinh đang nghỉ hè, nhưng lượng bệnh ghi nhận vẫn còn tăng. Bác sĩ Mỹ cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 6-2019, toàn tỉnh ghi nhận 78 ca TCM. Dấu hiệu của bệnh TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh TCM đều diễn biến nhẹ và được theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, bệnh có tính lây lan cao, dễ bùng phát thành dịch nên người chăm sóc cần theo dõi trẻ cẩn thận nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời cho trẻ, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Cần giữ gìn vệ sinh

Để phòng, chống bệnh TCM, ngành y tế thường xuyên phối hợp Phòng Giáo dục mầm non các địa phương tổ chức những hoạt động giám sát, kiểm tra các trường học mẫu giáo, mầm non và nhóm nhà trẻ. Kết quả giám sát cho thấy, việc phòng, chống bệnh TCM được các trường rất quan tâm và thực hiện khá tốt. Khi phát hiện ca bệnh, việc báo cáo ca bệnh cũng được các trường xử trí tốt nên ngành y tế nắm bắt kịp thời. Ngược lại, theo bác sĩ Mỹ, ở những nhà trẻ nhỏ, đặc biệt là tại các nhóm trẻ gia đình cơ sở vật chất chật chội, điều kiện vệ sinh không tốt, cộng với trình độ hạn chế nên việc thực hiện phòng, chống bệnh TCM tại những nhóm trẻ gia đình thường chưa đạt...

Bác sĩ Mỹ khẳng định, việc giữ gìn vệ sinh có vai trò rất quan trọng trong việc phòng bệnh TCM. Giữ gìn vệ sinh ở đây không chỉ là rửa tay cho trẻ nhỏ trước khi ăn cơm, sau khi đi vệ sinh, mà còn đối với người trông coi, chăm sóc trẻ: Trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Người lớn, khi đi bên ngoài về cũng cần vệ sinh sạch sẽ trước khi ôm bồng trẻ nhỏ, vì đôi khi họ mang mầm bệnh bên ngoài về và truyền cho con mình mà không hề hay biết. Bên cạnh đó, để phòng bệnh TCM cho trẻ cần thực hiện vệ sinh sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn, rửa đồ chơi và những vật dụng trẻ hay cầm nắm bằng xà phòng thường xuyên. Khi trẻ bị bệnh, cần cách ly kịp thời, không cho trẻ đến trường và những nơi đông người để hạn chế lây lan bệnh cho người khác...

 CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1080
Quay lên trên