Phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi: Phải đồng bộ, quyết liệt

Cập nhật: 02-07-2019 | 19:32:44

Dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong công tác khống chế và phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) nhưng trước nguy cơ lây lan dịch bệnh trong mùa mưa, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đang yêu cầu các trang trại, hộ chăn nuôi tăng cường công tác phòng chống, không để dịch bệnh tán phát.

Lực lượng chức năng kiểm tra một vụ vận chuyển thịt heo qua địa bàn tỉnh. Ảnh: TIỂU MY

Nguy cơ lây lan cao trong mùa mưa

Hiện nay, số lượng hộ/ trại chăn nuôi có heo chết bất thường buộc phải tiêu hủy và số địa phương (cấp xã) phát sinh bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, gây áp lực lớn trong công tác khống chế dịch bệnh của ngành chức năng. Theo số liệu thu thập từ cơ quan thú y tỉnh, tổng đàn gia súc trong toàn tỉnh hiện khoảng 775.420 con. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 26 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị, thành phố xảy ra bệnh DTHCP; tỷ lệ tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy so với tổng đàn heo thống kê trên toàn tỉnh ước tính 1,95%.

Điều đáng mừng, các địa phương trong tỉnh đã rất nỗ lực phòng chống bệnh DTHCP. Điển hình, tại TX.Tân Uyên, UBND thị xã đã ban hành quyết định công bố hết dịch trên địa bàn xã Hội nghĩa. Theo đó, tính đến ngày 25- 6-2019, xã Hội Nghĩa đã qua 30 ngày không có heo bệnh, chết do bệnh DTHCP. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thị xã, trong thời gian tới Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Kinh tế và xã Hội Nghĩa (TX.Tân Uyên) tiếp tục theo dõi tình hình chăn nuôi trên địa bàn, đề phòng phát sinh những ổ dịch mới và tái phát các ổ dịch cũ để kịp thời báo cáo UBND thị xã chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định. Ông Trần Thanh Phong, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã, cho biết hiện ngành thú y đang phối hợp với các ngành kiểm tra, kiểm soát nguồn bệnh từ các địa bàn giáp ranh, đồng thời thực hiện tốt những biện pháp vận động hộ chăn nuôi phòng chống bệnh dịch.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc chỉ định thêm các phòng thí nghiệm được thực hiện xét nghiệm và được công nhận kết quả xét nghiệm bệnh DTHCP tránh phải mất thời gian chờ đợi kết quả, nhất là các trường hợp cần xuất bán. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét nội dung tại mục II.1 của Văn bản số 3708/HD-BNN-TY ngày 28-5-2019 về việc yêu cầu “sản phẩm từ heo sau giết mổ phải xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTHCP… để tiêu thụ trong và ngoài vùng dịch”. Lý do là nội dung này hiện nay không khả thi, vì trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm không thể bảo quản, lưu trữ các sản phẩm đó tại cơ sở giết mổ.

 

Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, trong thời gian tới khả năng phát tán và lây lan bệnh DTHCP trên diện rộng là rất cao và bệnh DTHCP có thể xảy ra ở các địa phương còn lại trong tỉnh, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, dọc các trục lộ giao thông, các hộ chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học và sử dụng thức ăn thừa. Bên cạnh đó, nhiều khả năng mầm bệnh DTHCP sẽ xâm nhập vào các trang trại quy mô lớn. Chi cục khuyến cáo trong thời gian tới, các trang trại, hộ chăn nuôi cần tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn xem nhiệm vụ phòng chống, khống chế bệnh DTHCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể và tổ chức xã hội... tổ chức thực hiện kiên quyết, đồng bộ các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đến nhân dân để mọi người nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh DTHCP; đồng thời thông tin kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Thực hiện nghiêm quy định

Thời gian qua, Bình Dương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư về việc kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y. Bình Dương vẫn duy trì hệ thống ngành thú y xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã để bảo đảm nguồn lực thực thi nhiệm vụ phòng chống bệnh dịch. Hiện tỉnh có Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; cấp huyện có trạm chăn nuôi và thú y; cấp xã có bố trí 1 nhân viên thú y cơ sở tại mỗi xã/phường/thị trấn.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết tỉnh vẫn đang chủ động sử dụng ngân sách dự phòng địa phương để thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTHCP và hỗ trợ chủ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy. Bên cạnh đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thú y các cấp công khai chính sách và mức hỗ trợ đến người chăn nuôi bị thiệt hại; kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch và mức bồi dưỡng các lực lượng tham gia phòng, chống dịch thực hiện theo quy định…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp khiếu kiện về chính sách hỗ trợ thiệt hại; kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi ước tính trên 25 tỷ đồng. Về vấn đề ô nhiễm môi trường, đến thời điểm này không có hiện tượng người chăn nuôi vứt xác heo chết ra môi trường. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường nghiên cứu các giải pháp góp phần làm giảm thiểu mùi hôi thối phát sinh trong quá trình chôn hủy heo. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Văn bản số 2893/STNMT-CCBVMT ngày 12-6-2019 về việc hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường trong phòng, chống bệnh DTHCP.

Tại buổi làm việc với Bình Dương mới đây, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường Quốc hội, đánh giá cao những nỗ lực của Bình Dương trong công tác phòng chống bệnh DTHCP. Ông cũng đề nghị Bình Dương không chủ quan trước những kết quả đạt được; cần thực hiện đúng các quy định hiện hành; động viên người chăn nuôi chung tay với chính quyền phòng chống bệnh dịch.

Phú Giáo: Người chăn nuôi còn ỷ lại ngành chức năng
Theo ông Trần Minh Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú ý huyện, mùa mưa là điều kiện thích hợp cho việc phát tán mầm bệnh DTHCP trong môi trường thông qua dòng chảy nước mưa, phương tiện vận chuyển. Trong thời gian tới, khả năng phát tán và lây lan bệnh DTHCP trên diện rộng là rất cao. Bệnh này có thể xảy ra ở các xã còn lại trong huyện, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, dọc các trục lộ giao thông, chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học và sử dụng thức ăn thừa. Mầm bệnh DTHCP cũng có khả năng xâm nhập vào các trang trại quy mô lớn nếu các trang trại không thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa.
Hiện nay, không ít hộ/trại chăn nuôi trên địa bàn vẫn có tâm lý phó thác cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, có thời điểm các thương lái không mua heo, người chăn nuôi không xuất bán heo, không giảm đàn và không tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; khi phát hiện heo có triệu chứng bệnh thì lơ là chăm sóc, chỉ báo cơ quan thú y và chính quyền địa phương đến giải quyết.
Đến nay, số lượng hộ/trại chăn nuôi có heo chết bất thường buộc phải tiêu hủy và số xã trong huyện phát sinh bệnh DTHCP có chiều hướng gia tăng, gây áp lực rất lớn cho công tác khống chế bệnh dịch đối với ngành thú y. Do phải tập trung nhân lực và nhiều thời gian để thực hiện các giải pháp khẩn cấp khống chế bệnh DTHCP nên đã ảnh hưởng không ít đến việc triển khai các hoạt động chuyên môn khác của ngành thú y địa phương và ảnh hưởng sức khỏe của những người thường xuyên làm công việc tiêu hủy heo hàng ngày (làm cả ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần)...

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên